Ngân hàng sốt sắng cho vay tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế chưa hết khó khăn, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) chưa khởi sắc, việc cho vay DN trở nên rất khó khăn, nên ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhân viên nhiều ngân hàng đã sốt sắng gọi điện, gửi mail chào mời khách hàng vay vốn tiêu dùng.

Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn là bài toán khó trong năm 2014 dù kinh tế được nhiều dự báo sẽ phục hồi nhẹ.

Nhiều “chiêu” hút khách

Ngay tuần đầu tiên đi làm "khai xuân", chị Lê Thúy (Trường Chinh, Hà Nội) đã nhận được 3 - 4 cuộc điện thoại chào mời vay vốn của nhân viên các ngân hàng. Theo tư vấn của nhân viên ANZ, ngân hàng này đang triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với điều kiện hấp dẫn. Khách hàng chỉ cần chứng minh khả năng trả nợ bằng bảng lương, chứ không cần phải có tài sản đảm bảo. Tương tự tại một số ngân hàng như HSBC, Standard Chartered… khách hàng không cần tài sản thế chấp hoặc giấy bảo lãnh nhưng vẫn có thể được vay lên tới 500 triệu đồng chỉ trong vòng 24 - 48 giờ. Thủ tục nhanh gọn, mục đích vay đa dạng… là các "chiêu" hút khách vay tiêu dùng hiện nay.

 
Tư vấn cho khách hàng vay vốn tại Chi nhánh MB Bank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Tư vấn cho khách hàng vay vốn tại Chi nhánh MB Bank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Thị Hồng, vào thời điểm cuối năm tín dụng thường tăng cao bởi các DN có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết, vay vốn phục vụ sản xuất vụ đông - xuân… Sau khi tăng cao trong các tháng cuối năm thì tín dụng thường tăng chậm lại hoặc giảm nhẹ trong các tháng đầu năm sau.

Có thể thấy, việc tăng trưởng tín dụng có ảnh hưởng bởi tính mùa vụ này đã khiến các ngân hàng cấp tập "kích" tín dụng ngay trong những tháng đầu năm. Và bên cạnh mảng tín dụng dành cho DN, tín dụng cho khách hàng cá nhân, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng đang được các ngân hàng tích cực đẩy mạnh.

Lãi suất vẫn cao

Mặc dù các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tín chấp (không cần tài sản thế chấp) nhưng các điều kiện để được ngân hàng cho vay không hề nới lỏng mà vẫn rất ngặt nghèo. Cụ thể, mức thu nhập để chứng minh khả năng trả nợ mà ngân hàng yêu cầu vẫn khá cao. Tại ANZ, mức thu nhập tối thiểu đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng là 7,5 triệu đồng/tháng và lương phải trả qua tài khoản ngân hàng. Tại VIB, mức lương tối thiểu phải từ 10 triệu đồng, người vay phải nắm chức vụ quản lý... Đặc biệt, lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng. Hiện, lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng tín chấp của ANZ là 20 - 24%/năm tính theo dư nợ giảm dần, tùy thuộc kỳ hạn và số tiền vay. Lãi suất cho vay tại một số ngân hàng nước ngoài khác như HSBC, Standard Chartered, CitiBank… cũng ở mức tương tự.

Kinh tế vẫn khó khăn, sức cầu yếu, nợ xấu tăng cao... là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng dù "sốt sắng" mở rộng khách hàng cho vay vẫn phải áp dụng các điều kiện chặt chẽ khi cho vay tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia ngân hàng nhận định, sau năm 2015, thị trường bán lẻ sẽ là thị trường chủ đạo mà các ngân hàng nước ngoài tập trung khai thác dù khối này hiện mới chỉ chiếm khoảng 10% thị phần bán lẻ. Hầu hết ngân hàng nước ngoài như ANZ, HSBC, Standard Chartered, HSBC, Shinhan Vina... đều đánh giá rất cao triển vọng thị trường bán lẻ của Việt Nam và không giấu tham vọng tăng thị phần trong lĩnh vực này.

 
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn như hiện nay, dư địa cho vay tiêu dùng là khả quan nhất. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể làm được điều này. Phát triển tín dụng tiêu dùng đòi hỏi "tốn" rất nhiều nhân sự và tỷ lệ rủi ro rất cao. Do đó, điều kiện cho vay tiêu dùng hiện vẫn rất chặt chẽ để hạn chế tối đa các rủi ro.