Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Thế giới cảnh báo G20 nguy cơ lặp lại "thập kỷ mất mát"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass hôm 21/11 cảnh báo các nhà lãnh đạo G20 rằng, việc không xem xét giảm nợ vĩnh viễn cho một số quốc gia hiện nay có thể dẫn đến gia tăng nghèo đói và lặp lại tình trạng vỡ nợ mất kiểm soát như những năm 1980.

Chủ tịch WB David Malpass. 
Theo ông Malpass, ông rất hài lòng trước những tiến bộ mà Nhóm 20 nền kinh tế lớn đạt được trong việc tăng cường minh bạch về nợ và giảm nợ cho các nước nghèo nhất, nhưng vẫn cần nhiều hơn thế.
"Giảm nợ và minh bạch sẽ cho phép đầu tư hiệu quả, một chìa khóa để đạt được sự phục hồi sớm hơn, mạnh mẽ và lâu dài hơn", Chủ tịch WB phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 21 được tổ chức trực tuyến từ 21-22/11, dưới sự chủ trì của Ả Rập Saudi.
"Chúng ta cần đề phòng việc làm quá ít hiện nay để rồi bị vỡ nợ mất kiểm soát và tái cơ cấu nợ lặp đi lặp lại như những năm 1980", ông Malpass nói thêm, nhắc đến "thập kỷ mất mát" những năm 1980, chứng kiến ​​nhiều quốc gia mắc nợ cao ở Mỹ Latinh và các nơi khác không thể trả nợ, làm trì hoãn tăng trưởng và nỗ lực giảm nghèo.
Chủ tịch Malpass, người đã bắt đầu thúc đẩy việc giảm nợ sớm trong cuộc khủng hoảng Covid-19, cũng cảnh báo rằng các thách thức về nợ đang trở nên thường xuyên hơn, bao gồm cả ở Chad, Angola, Ethiopia và Zambia, và việc không cung cấp "giải pháp giảm nợ lâu dài hơn" để lại một triển vọng ảm đạm cho xóa đói giảm nghèo.
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo G20 đã chuẩn bị để chính thức xác nhận việc gia hạn tạm thời đóng băng các khoản thanh toán nợ song phương chính thức của các nước nghèo nhất, đồng thời thông qua một khuôn khổ chung để tái cơ cấu nợ trong tương lai.
Tuy nhiên, các chủ nợ khu vực tư nhân không tham gia nỗ lực này, bất chấp các lời kêu gọi liên tục của các nhà lãnh đạo G20, các nhóm xã hội dân sự và Liên hợp quốc. Ông Malpass cho biết, WB hiện đang hợp tác chặt chẽ với G20 ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và bạo lực, bao gồm Sahel, Somalia, Lebanon, Gaza và Bờ Tây.
Đặc biệt tại Sudan, Chủ tịch WB hy vọng rằng việc xóa nợ có thể diễn ra nhanh chóng, nhất là với dòng người tị nạn từ nước láng giềng Ethiopia, điều này sẽ cho phép nguồn tài trợ đáng kể của WB bắt đầu chảy gần như ngay lập tức.
Tháng trước, Mỹ đã đưa Sudan ra khỏi danh sách nhà nước tài trợ khủng bố, loại bỏ một trong những rào cản mà quốc gia châu Phi mắc nợ nặng nề nhất này đang phải đối mặt, khi vẫn còn khoảng 60 tỷ USD nợ nước ngoài.