Hàng ngàn hộ dân được tiếp cận nước sạch
Thôn Trung Cao (xã Trung Hoà, huyện Chương Mỹ) từng là địa bàn thiếu nước sạch trầm trọng. Chị Lê Thị Huệ ở thông Trung Cao cho biết, trước năm 2017, gia đình chị và nhiều hộ dân phải bỏ tiền túi để mua nước sạch với giá cao, phục vụ tích trữ và sử dụng vào mục đích ăn uống. Tình trạng thiếu nước càng trầm trọng hơn vào mùa khô.
Niềm vui đến với gia đình chị Huệ và người dân xã Trung Hoà, khi từ năm 2017, trạm cấp nước sạch liên xã Trung Hoà - Trường Yên (huyện Chương Mỹ) được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trạm có công suất 3.600m3/ngày đêm, với khả năng đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 100% hộ dân hai xã Trung Hoà, Trường Yên.
Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới Hà Nội) Dương Quý Quyền cho biết, cùng với trạm cấp nước sạch Trung Hoà - Trường Yên, trong giai đoạn 2015 - 2018, bằng nguồn vốn hỗ trợ của WB, 5 trạm cấp nước sạch khác cũng đã hoàn thành đầu tư, đưa vào vận hành cấp nước cho người dân.
Cụ thể là các trạm cấp nước sạch liên xã: Tam Hưng - Thanh Thuỳ (huyện Thanh Oai), Hiệp Thuận - Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ), Cổ Đô - Phong Vân (huyện Ba Vì), Hương Sơn (Mỹ Đức), và Liên Phương - Vân Tảo - Hà Hồi - Hồng Vân - Thư Phú (huyện Thường Tín).
Hoạt động ổn định của 6 trạm cấp nước tập trung từ nguồn vốn hỗ trợ của WB đã góp phần mang nước sạch đến với nhiều hộ gia đình tại những địa bàn xa trung tâm Thủ đô. Thống kê hiện nay, các trạm đang cung cấp nguồn nước sạch tập trung cho khoảng 20.000 hộ gia đình với gần 100.000 người dân.
Mong muốn được bàn giao quản lý
Cùng với việc duy trì vận hành ổn định hệ thống cấp nước sạch, Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới Hà Nội thường xuyên phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng, nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của người dân đối với vấn đề nước sạch đang ngày một tốt hơn. Năm 2024, khoảng 900 hộ dân hai xã Liên Hiệp, Hiệp Thuận đã đăng ký lắp đặt đồng hồ để tiếp cận nguồn nước sạch tập trung.
“Thống kê tại 6 trạm, hiện nay, đang có tổng số gần 3.000 hộ gia đình tại các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, đăng ký sử dụng nước sạch. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung lắp đặt đường ống và đồng hồ để sớm cấp nước sạch cho người dân…” - ông Dương Quý Quyền thông tin thêm.
Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2024, 100% hộ dân khu vực nông thôn sẽ được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung. Chính vì vậy, việc duy trì nguồn cấp nước ổn định phục vụ người dân từ 6 trạm nước sạch tập trung có ý nghĩa rất quan trọng.
Dù vậy, theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Huy Khánh, công tác này hiện nay đối với đơn vị đang có những khó khăn nhất định. Nổi cộm là việc Trung tâm chưa được UBND TP Hà Nội giao quản lý trực tiếp các trạm (chỉ mới tạm giao Sở NN&PTNT Hà Nội quản lý).
“Theo kế hoạch cấp nước của TP Hà Nội, trạm cấp nước liên xã tại huyện Thường Tín sẽ được giao cho doanh nghiệp quản lý, khai thác. Về phía Trung tâm, chúng tôi mong muốn UBND TP sớm bàn giao chính thức về Sở NN&PTNT Hà Nội để tạo điều kiện tốt nhất cho công tác quản lý vận hành…” - ông Nguyễn Huy Khánh bày tỏ mong muốn, đề xuất.
“Tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch còn là tiêu chí để các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến mục tiêu xuyên suốt của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân…” - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội Ngọ Văn Ngôn.