Ngân hàng tích cực gọi vốn ngoại

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tập đoàn Nhật Bản MUFG gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam thông qua khoản đầu tư gián tiếp của công ty con Krungsri (Thái Lan) tại SHB Finance, là diễn biến mới nhất trong làn sóng đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam. Không chỉ SHB, nhiều ngân hàng đang tích cực hơn trong việc chủ động tìm kiếm những đối tác ngoại.

Trông đợi những thương vụ lớn

Mới đây, Ngân hàng Thương mại CP (TMCP) Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cho ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan. Krungsri được biết đến là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ và tiền gửi.

SHB bán công ty tài chính SHB Finance cho ngân hàng lớn thứ 5 Thái Lan. (Nguồn: SHB Finance)

Theo Krungsri, mục đích nhận chuyển nhượng SHB Finance là để phát triển hoạt động kinh doanh của đơn vị này ở bên ngoài Thái Lan, tăng lợi thế về cạnh tranh và mở rộng tệp khách hàng tại khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng này hiện có 23 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản, dịch vụ, công nghệ thông tin. Chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, đại diện của Krungsri cho biết ngân hàng này sẽ chi gần 156 triệu USD cho thương vụ, tương đương khoảng hơn 3.600 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Guotai Junan Vietnam (GTJASVN) vừa có báo cáo nhận định về Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB), đơn vị đang trong quá trình đàm phán với đối tác ngoại về việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty tài chính tiêu dùng FCCOM. 

Cuối tháng 4/2021, tập đoàn SMBC của Nhật Bản đã mua 49% cổ phần Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit của VPBank với giá 1,37 tỷ USD, tương đương mức định giá FE Credit gần 2,8 tỷ USD, vượt xa mức vốn hoá của nhiều ngân hàng cỡ khá trong nước. Thương vụ tỷ đô này được kỳ vọng sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển thị trường tài chính Việt Nam, khi các tổ chức tín dụng, nhất là các đơn vị lớn và hiệu quả nhất được nhà đầu tư nước ngoài săn đón và sẵn sàng trả giá cao. 49% cũng là tỷ lệ vốn mà MB bán của Công ty tài chính Mcredit sho Shinsei (Nhật Bản) vừa qua. 

SCB cho hay, ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để bán một phần vốn, nhằm nâng cao tiềm lực tài chính sau khi hoàn tất tài cơ cấu và tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo kế hoạch tăng vốn năm nay, Nam A Bank sẽ hút thêm vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Hiện room ngoại tại Nam A Bank còn nguyên 30%. Hàng loạt ngân hàng khác như: Bản Việt, NCB, LienVietPostBank… cũng đang triển khai các kế hoạch nhằm tìm kiếm và lựa chọn đối tác ngoại. Một số “hàng hot” như Techcombank, HDBank, MB vẫn còn trống room 5 – 10% so với mức tối đa.

Với những ngân hàng gốc quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank hay BIDV, sau khi được dỡ bỏ những rào cản  tăng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước, đang và sẽ tăng vốn khủng trong giai đoạn tới nhờ chính sách chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận khổng lồ giữ lại. Khi đó, room ngoại của các ngân hàng này cũng có thể tạo điều kiện để tiếp tục các thương vụ bán vốn cho nước ngoài.

Nguồn vốn đầu tư vào thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam từ các nhà đầu tư ngoại, nhất là những nhà đầu tư khu vực châu Á nhiều năm trở lại đây đang là xu hướng tích cực. Không chỉ mở ngân hàng riêng, các nhà đầu tư nước ngoài còn rót vốn vào các ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng, trở thành cổ đông chiến lược, hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) của Việt Nam…

Bước chuyển mình về tiềm lực

Theo đánh giá của các chuyên gia, so với Mỹ - châu Âu, các tập đoàn tài chính châu Á có lợi thế hơn ở Việt Nam khi có ít nhiều sự đồng điệu về văn hoá, tín ngưỡng, dẫn tới mức độ am hiểu và thích nghi thị trường cao hơn. … Các đối tác quan tâm đến ngân hàng Việt chủ yếu đến từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Trung Quốc.

 Các ngân hàng vẫn đau đáu với chuẩn Basel

Với dân số lên đến 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc top đầu thế giới, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt ở mảng ngân hàng số và ngân hàng bán lẻ.

Một trong những giải pháp trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 là đẩy nhanh tiến trình nâng cao năng lực, hiệu quả của các tổ chức tín dụng, bao gồm các NHTM, nhất là năng lực tài chính, áp dụng chuẩn mực quản trị và Basel II, III.

Để thực hiện mục tiêu này các ngân hàng bắt buộc tăng vốn điều lệ. Một trong những biện pháp được các ngân hàng thực hiện là tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tăng vốn bằng lợi nhuận để lại thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư mới…

Gần đây việc tăng vốn thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được nhiều nhà băng lựa chọn. Lý do là bởi bên cạnh việc tăng vốn còn là kỳ vọng các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ hỗ trợ ngân hàng nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, dịch Covid-19 rõ ràng là thử thách cho hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam khi khẩu vị rủi ro về tín dụng và đầu tư của các tổ chức tín dụng thay đổi theo hướng thận trọng, phương thức làm việc và phục vụ khách hàng cũng thay đổi, việc đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng cũng phải nhìn nhận lại… Song ở mặt khác, đại dịch Covid-19 không mong muốn này cũng đồng thời mang tới những cơ hội để hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể nhìn rõ được sức mạnh nội tại, tiềm lực tài chính của ngân hàng, cũng như những khuyết thiếu cần bổ sung để phát triển bền vững hơn.

Hiện nay các nhà băng cũng chú trọng xây dựng thương hiệu không chỉ đơn thuần thông qua các hình thức quảng cáo, khuyến mại, mà quan trọng nằm ở chính chất lượng dịch vụ, uy tín, tiềm lực của mình. “Thương hiệu càng uy tín thì càng có khả năng hấp dẫn được các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, từ đó cơ hội để "hút" thêm vốn ngoại càng được mở rộng hơn” - một chuyên gia chia sẻ.

Ở thời điểm này hệ thống các ngân hàng Việt Nam phải tập trung vào bốn điểm: Người lao động, quản lý tài chính, khách hàng và đối tác. Lựa chọn được đối tác ngoại phù hợp với ngân hàng là một trong những yếu tố sẽ giúp cho nhà băng gia tăng tiềm lực tài chính và nâng cao năng lực quản trị, điều hành. (Chuyên gia kinh tế- TS Cấn Văn Lực)