Doanh nghiệp “gồng mình” sau bão
Thủy điện Nậm Lúc, một trong những nhà máy thủy điện lớn của tỉnh Lào Cai đã phải đối diện với những tổn thất khó có thể đo lường sau bão. Ông Nguyễn Tất Anh - Giám đốc điều hành của nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc chia sẻ: “Bão Yagi đã gây sạt lở nghiêm trọng, khiến toàn bộ khu điều hành của nhà máy bị san phẳng. Nước lũ lên cao làm nhà máy ngập nước hoàn toàn, mọi hoạt động bị tê liệt”.
Cũng theo ông Tất Anh, việc nhà máy bị ngưng hoạt động kéo dài, thiệt hại về tài sản ước tính lên tới hơn 100 tỷ đồng. Đau lòng hơn, cơn bão còn cướp đi sinh mạng của 5 cán bộ nhân viên của nhà máy.
Dù đã nửa tháng kể từ khi cơn bão đi qua, nhà máy vẫn trong tình trạng chưa thể khôi phục hoạt động. Điện lưới chưa được kéo về, các phương tiện giao thông chỉ vừa mới tiếp cận được khu vực sau nhiều ngày bão tàn phá. Những ảnh hưởng này khiến việc tái khởi động và khắc phục hậu quả vẫn là một thử thách lớn.
Không kém phần nghiêm trọng, Công ty TNHH Văn Tịnh, chuyên cung cấp vật liệu xây dựng cũng chịu ảnh hưởng lớn sau bão. Theo ông Bùi Xuân Tịnh - Giám đốc công ty, kho nhà xưởng chứa vật liệu xây dựng của công ty đã bị sụt lún và sập đổ hoàn toàn, cùng với hệ thống trang thiết bị bị phá hủy, ước tính thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng. Không những vậy, vụ sụt lún cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 53 căn nhà ở mặt đường thuộc phường Nam Cường, TP Lào Cai.
"Đòn bẩy" giúp doanh nghiệp hồi sinh
Trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất, sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại lớn như SHB như trở thành cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, với các chính sách tài chính linh hoạt, những doanh nghiệp như Thủy điện Nậm Lúc và Văn Tịnh đã có thể tìm ra phương án khắc phục và tiếp tục duy trì hoạt động.
Ngay sau khi bão Yagi đi qua, ngân hàng này đã chủ động triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng. Theo ông Hoàng Văn Sỹ - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng SHB tại Lào Cai, đội ngũ cán bộ ngân hàng đã trực tiếp tới thăm hỏi, nắm bắt tình hình thực tế và nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ cần thiết.
Với Thủy điện Nậm Lúc, phía doanh nghiệp đang có dư nợ tại ngân hàng SHB gần 700 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng này đã nhanh chóng lên 3 gói chính sách để áp dụng cho các doanh nghiệp bị thiệt hại.
“Đầu tiên là chúng tôi giảm 50% lãi cho khách hàng từ giờ đến cuối năm với số lãi giảm trên 10 tỷ đồng; ngay trong tháng 9 chúng tôi đã thực hiện giảm trước 5 tỷ đồng. SHB cũng chủ động cấp hạn mức 50 tỷ với chính sách lãi suất 4,5% để khách hàng có nguồn vốn tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục hậu quả sau cơn bão. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện việc cơ cấu lại khoản vay cho khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo đúng chính sách và yêu cầu của SHB để hỗ trợ khách hàng tốt nhất. Đây là 3 gói chính sách, thực hiện trực tiếp và ngay của SHB dành cho khách hàng” - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng SHB tại Lào Cai Hoàng Văn Sỹ thông tin.
Đối với Công ty Văn Tịnh, ngân hàng cũng đã đưa ra gói vay với lãi suất ưu đãi tương tự, giúp công ty nhanh chóng triển khai các hoạt động xây dựng lại kho xưởng và trang thiết bị. Ngoài ra, các khoản giảm lãi và hỗ trợ phí bảo lãnh dự thầu cũng giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời điểm khó khăn này.
Bên cạnh các chính sách tài chính, SHB cũng đã tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ tinh thần. Đội ngũ của ngân hàng đã tổ chức các đoàn thiện nguyện tới những khu vực chịu ảnh hưởng để thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân và người dân bị thiệt hại. Các hoạt động như trao quà và hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa đã góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống và sớm quay trở lại hoạt động bình thường.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ phía ngân hàng, các doanh nghiệp tại Lào Cai đang dần hồi phục và trở lại hoạt động. Tại Thủy điện Nậm Lúc, dù việc sửa chữa và tái khởi động nhà máy còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nhờ gói tín dụng và các biện pháp hỗ trợ từ ngân hàng, nhà máy đã có thể bắt đầu quá trình khắc phục.
Giám đốc điều hành Thủy điện Nậm Lúc chia sẻ thêm: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để bơm nước ra khỏi nhà máy, vệ sinh từng hạng mục và kiểm tra lại toàn bộ hệ thống. Dù quá trình này kéo dài nhưng chúng tôi hy vọng sẽ sớm đưa nhà máy hoạt động trở lại”.
Còn theo chia sẻ của ông Bùi Xuân Tịnh, công ty đã bắt đầu lên kế hoạch dựng lại nhà xưởng và sắm sửa trang thiết bị để tiếp tục sản xuất. “Sự hỗ trợ tài chính kịp thời từ ngân hàng là đòn bẩy quan trọng, giúp doanh nghiệp chúng tôi sớm ổn định và phục hồi hoạt động”, ông Tịnh cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng với tổng số 405.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5 -2% để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 vừa qua.