Sau khi nhận dòng vốn lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế, các ngân hàng tại Việt Nam đã sử dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho người dân cũng như doanh nghiệp, nhất là DN do nữ làm chủ, tài trợ chống biến đổi khí hậu. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến việc tiếp tục “rót” vốn của các tổ chức quốc tế.
Sử dụng hiệu quả
Thời gian gần đây, dòng vốn ngoại liên tục đổ về các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước. Đơn cử, tháng 6/2021, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã đầu tư 150 triệu USD vào Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và liên tục được đầu tư thêm. Tính đến tháng 10/2022, tổng nguồn vốn mà IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế đã đầu tư vào SeABank là 295 triệu USD nhằm giúp DNNVV, đặc biệt là DN do phụ nữ làm chủ, phục hồi phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19 cũng như chống biến đổi khí hậu.
Sau khi nhận các khoản đầu tư từ IFC, một loạt giải pháp tài chính đã được ngân hàng này đưa ra giúp các DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn như ưu đãi lãi suất, hỗ trợ lãi suất cạnh tranh, cấp hạn mức thấu chi tối đa 5 tỷ đồng, cấp hạn mức thẻ tín dụng tới 200 triệu đồng, đặc biệt sản phẩm cho vay DN do phụ nữ làm chủ đã phát huy hiệu quả tối đa…
Cho đến nay, SeABank đã giải ngân được hơn 3.700 tỷ đồng (tương đương 157 triệu USD) cho gần 800 DNNVV giúp họ bổ sung nguồn vốn lưu động và trung dài hạn. Ngoài ra, có gần 200 DN do nữ làm chủ tiếp cận được hơn 2.000 tỷ đồng (tương đương hơn 84 triệu USD) với lãi suất ưu đãi từ SeABank. Như vậy, Ngân hàng này đã giải ngân được hơn 240 triệu USD cho gần 1.000 DNNVV, qua đó giúp họ có nguồn vốn hiệu quả để phục vụ sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất.
Bên cạnh đó, SeABank cũng đẩy mạnh tài trợ vào các dự án xanh, các dự án sử dụng tài nguyên hiệu quả và thân thiện với môi trường theo định hướng tư vấn từ IFC, để giúp giảm phát thải khí nhà kính cũng như thiết lập một hệ thống đồng bộ quản lý các rủi ro về môi trường, xã hội. Ngân hàng cam kết không tài trợ mới các hoạt động liên quan đến than đá, góp phần hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon thấp. Đến nay, SeABank đã giải ngân được 1/3 tổng ngân sách tài trợ tín dụng xanh từ IFC.
Việc liên tiếp được IFC tăng vốn đầu tư không chỉ cho thấy sự minh bạch, hiệu quả sử dụng nguồn vốn của SeABank mà còn chứng minh năng lực tài chính, uy tín và hiệu quả hoạt động của SeABank, qua đó gia tăng nguồn vốn quốc tế để hỗ trợ tối ưu các DNNVV và doanh nghiệp nữ chủ phục hồi sau đại dịch.
Cùng với SeABank, IFC cũng lựa chọn thêm một số ngân hàng khác trong nước để hỗ trợ cho danh mục cho vay dành cho DNNVV. Với nguồn vốn huy động được, các ngân hàng cam kết sẽ hỗ trợ nhiều DN hơn, đặc biệt là các DN do phụ nữ làm chủ, giúp các DN vượt qua cú sốc bất ngờ từ bên ngoài như đại dịch Covid-19 vừa qua, cũng như hỗ trợ sự ổn định thị trường tài chính chung của Việt Nam.
Tiếp sức ngân hàng Việt nâng cao đời sống người dân
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các DN, IFC còn tăng cường hỗ trợ người dân Việt Nam thông qua các gói tài trợ nhằm đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân mua, xây dựng, sửa chữa nhà để ở. Tháng 2/2023, IFC tiếp tục đầu tư 100 triệu USD vào SeABank để mở rộng danh mục cho vay mua nhà cho các gia đình có thu nhập trung bình và thấp tại Việt Nam. IFC cũng sẽ hỗ trợ tư vấn cho SeABank phát triển các sản phẩm tài chính chuyên về nhà ở, nhằm phục vụ tốt hơn người dân có thu nhập trung bình và thấp - ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam.
Trong khuôn khổ Lễ ký kết hợp đồng đầu tư tổ chức ngày 27/2 tại trụ sở IFC tại Singpapore, bà Lê Thu Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT SeABank cho biết: “SeABank rất vinh dự một lần nữa nhận được sự tin tưởng của IFC với khoản đầu tư mới trị giá 100 triệu USD nhằm thúc đẩy hoạt độngcho vay mua nhà, qua đó nâng tổng đầu tư của IFC vào SeABank lên tới gần 400 triệu USD”.
Theo bà Thủy, nhu cầu về nhà ở của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình ở Việt Nam hiện đang rất cao, tuy nhiên cơ hội tiếp cận với các sản phẩm tài chính của họ lại rất hạn chế. “Khoản tài trợ của IFC sẽ cung cấp cho SeABank nguồn vốn dài hạn ổn định và giúp ngân hàng củng cố danh mục cho vay liên quan đến nhà ở vừa túi tiền, từ đó thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn vay mua nhà, mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Đồng thời, điều này góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của SeABank với các ngân hàng trong nước”, bà Thủy nói.
Cũng tại buổi Lễ ký kết, ông Mathew Nevil Welch - thành viên độc lập HĐQT SeABank cho hay: “Đây là một cột mốc quan trọng nữa cho mối quan hệ hợp tác giữa SeABank và IFC. Khoản vay mua nhà vừa tứi tiền này sẽ hỗ trợ khách hàng tiếp cận nhiều hơn với các khoản vay mua nhà đáp ứng nhu cầu tiềm năng của phân khúc này, qua đó tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam”.
Với khoản đầu tư này, SeABank dự kiến sẽ tăng ít nhất gấp đôi số lượng các khoản vay mua nhà trung cấp và bình dân vào năm 2026. Ngoài ra, dự án dự kiến sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm mới trong ngành xây dựng và các lĩnh vực liên quan khác.
Ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Cộng hòa DCND Lào cho biết: “Thông qua việc hỗ trợ một NHTM tư nhân hàng đầu, IFC sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu các giải pháp tài chính phát triển nhà ở vừa túi tiền và gửi tín hiệu tích cực đến thị trường về tiềm năng của phân khúc chưa được khai thác đầy đủ. IFC tin rằng, điều này sẽ mang lại tác động tích cực đối với các ngân hàng khác, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển cạnh tranh hơn để có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng ở Việt Nam, hỗ trợ phát triển kinh tế và mang lại lợi ích cho người dân”.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu vốn của các DN tăng cao, việc huy động nguồn vốn nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng bổ sung và ổn định nguồn vốn kinh doanh, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng. Qua đó, hỗ trợ vốn kịp thời, tạo điều kiện để DN đầu tư vào tăng trưởng trong tương lai, tăng cường sự ổn định trước biến động của thị trường.