Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn lạm phát vượt 4%

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 tháng qua, giá dầu thô tăng 55 - 58%, giá lương thực thực phẩm toàn cầu bị đẩy lên cao 24%, các loại hàng hóa khác tăng 17 - 35%. Giá nhiên liệu, mặt hàng đầu vào của các ngành, lĩnh vực tăng cao gây áp lực lạm phát chi phí đẩy cho nền kinh tế.

Nhiều yếu tố nguy cơ đẩy lạm phát

Tại buổi tọa đàm “Vòng xoáy lạm phát - Kiểm soát chi phí đẩy” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 4/4/2022, chuyên gia chỉ ra, các yếu tố kinh tế cả ở trong và ngoài nước đang gây áp lực lạm phát rất lớn đối với kinh tế Việt Nam trong phần còn lại của năm 2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, kinh tế thế giới đang trong giai đoạn phục hồi, nhiều nước phát triển ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Ở trong nước, với đà tăng trưởng của quý I, các hoạt động du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình sẽ khôi phục trở lại, khi đó nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng đẩy giá cả lên cao vào các tháng tiếp theo, tạo áp lực cho lạm phát. Giá các dịch vụ liên quan đến du lịch, vui chơi giải trí, giáo dục, y tế… sẽ tăng do mở cửa nền kinh tế. Giá điện, nước nhiều khả năng tăng vào các tháng tiếp theo để đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Giá hàng hóa trên thế giới đang tăng mạnh, đặc biệt thị trường cung cấp nguyên vật liệu chính cho Việt Nam là Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách Zero Covid, hạn chế xuất nhập khẩu đường bộ, các doanh nghiệp phải tìm cách chuyển sang nhập khẩu bằng đường biển, đường hàng không, dẫn đến tăng thời gian vận chuyển và chi phí rất lớn. Thêm vào đó, xung đột giữa Nga - Ukraine đang làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, giá xăng dầu đang tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất của DN và người dân.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, chỉ riêng giá xăng dầu trong nước chiếm 2 - 3,5% tổng chi phí sản xuất, nên khi xăng dầu tăng giá thì tất cả ngành sản xuất đều bị ảnh hưởng. Về tiêu dùng, khoảng 1,52% tiêu dùng người dân là chi tiêu cho xăng dầu, đây là chi phí bắt buộc người dân phải chi trả hằng ngày.

 

Hàng tiêu dùng, chi phí vận tải, vật liệu xây dựng đang tăng giá theo xăng dầu gây áp lực lạm phát lớn, đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá cả trong nền kinh tế. Cần kiểm soát được nguồn cung, bảo đảm được chuỗi cung ứng, kết hợp với chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt.

Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, 3 tháng qua giá dầu thô tăng 55 - 58%, giá lương thực thực phẩm toàn cầu bị đẩy lên cao 24%, các loại hàng hóa khác bị đẩy lên từ 17% - 35%. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu giá xăng dầu tăng 10% lạm phát tăng 0,48%, nếu tăng 30% thì lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 1%. Với tình hình tăng giá xăng dầu tại Việt Nam thời gian qua, có thể làm tăng lạm phát thêm 1%. Ngoài ra còn giá một số vật liệu cơ bản tác động đến giá hàng hóa, chỉ số CPI.

Kiểm soát lạm phát: Khó nhưng vẫn có thể đạt được

Để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt.

Quang cảnh tọa đàm “Vòng xoáy lạm phát - Kiểm soát chi phí đẩy” 
Quang cảnh tọa đàm “Vòng xoáy lạm phát - Kiểm soát chi phí đẩy” 

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chúng ta phải có đánh giá những yếu tố nào tiêu cực kéo lạm phát đi lên và yếu tố tích cực làm giảm lạm phát.

Giá xăng dầu, dự báo mức đỉnh là 140 USD/thùng và không tăng thêm bởi nhiều yếu tố, như: Nhu cầu giảm khi mùa Đông qua, xung đột Nga - Ukraine đã dịu lại, hành động quyết liệt của các nước OPEC. Nguồn cung xăng dầu thế giới có thể ổn định, nhiều chuyên gia dự báo giá xăng dầu có thể chỉ nằm trong khoảng 100 - 110 USD/thùng, không thể cao như hiện nay. “Dù vậy ở Việt Nam, chúng ta nói đến an ninh năng lượng nhưng mới trục trặc một chút, Nghi Sơn đóng cửa chúng ta mất 1/4 nguồn cung. Do đó phải có cách xử lý”- TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Còn một vấn đề tích cực nữa theo ông Nghĩa, là khi chúng ta nhập khẩu lạm phát vào thì đồng thời lại xuất khẩu ra, chúng ta không phải là quốc gia thuần túy nhập khẩu. Do đó cũng giảm nhẹ yếu tố chi phí đẩy đi. Việc kiểm soát cung tiền cũng được triển khai tốt những năm qua, giúp lạm phát chi phí đẩy có thể được khống chế nhanh và không bị kích hoạt tăng lên bởi lạm phát cầu kéo. Cách ngân hàng trung ương kiểm soát cung tiền mấy năm gần đây rất tốt, nên không lo ngại rằng chúng ta sẽ “tứ bề gặp giặc” mà chỉ “một bề” - đó là chi phí đẩy.

 

Tôi tin rằng nếu Chính phủ điều hành tốt, truyền thông làm tốt công tác tâm lý, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được. Chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 khoảng 3,8% - 3,9%.

TS Lê Xuân Nghĩa

Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), thứ nhất, cần dự báo các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp. Phải đa dạng hóa nguồn cung đảm bảo nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp sản xuất.

Thứ hai, phải nắm bắt tình hình kịp thời và trên cơ sở thực tế đó xây dựng chính sách điều hành giá tham mưu cho Chính phủ tốt nhất. Thứ ba, ý thức của người tiêu dùng trong vấn đề đối phó với giá cả và tình hình lạm phát trong nước, phải có sự chuyển biến mới lựa chọn sản phẩm chúng ta sẵn có thay vì sản phẩm nhập khẩu. Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, làm sao các nơi sản xuất niêm yết giá, bán đúng giá loại trừ lợi dụng tình hình đầu cơ găm hàng tích trữ đẩy giá lên mức phi lý. Thứ năm phải thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần đúng thời điểm. Đặc biệt trong thời điểm áp lực lạm phát đang cao như hiện nay thì không nên điều chỉnh giá dịch vụ y tế hay dịch vụ giáo dục theo lộ trình.