Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngán ngẩm với những biển cấm chỉ để ngắm

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, đâu đó chúng ta thường bắt gặp những biển “cấm…”. Tuy nhiên, những biển cấm ở nhiều tuyến phố chỉ để ngắm vì không phát huy được tác dụng khi vi phạm vẫn tràn lan.

Những biển cấm bị vi phạm

Hà Nội có nhiều khu dân cư đan xen giữa khu vực mới và cũ. Hạ tầng đô thị không đáp ứng kịp sự phát triển của bùng nổ dân số cơ học. Do đó, sự quá tải về số lượng người, xe tham gia giao thông, cũng như chỗ đậu đỗ đã khiến cho nhiều tấm biển cấm đỗ xe đã trở lên mất hiệu lực. Nơi để biển cấm đỗ xe ở nhiều khu vực thì đều có rất nhiều xe đỗ vào chỗ cấm.
 Đường Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân dài chưa đầy 1 KM những có đến khoảng 20 chiếc biển cấm đỗ xe. Nhưng tại đây có rất nhiều xe đỗ.
 Đây là điểm cấm để xe ở quận Đống Đa, có rất nhiều xe đỗ vào.
Có những tuyến phố đăng ký “phố văn minh đô thị”, với rất nhiều nội dung cấm được ghi vào bảng cắm ngay trên vỉa hè để mọi người nhìn thấy thực hiện, như: Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh; không dừng, đỗ xe … Tuy nhiên, ống kính phóng viên đã chụp được ảnh xe ô tô đỗ ngay dưới lòng đường, bên cạnh biển cấm này trên đường Nguyễn Trãi. Nơi này còn có cả điểm dừng đỗ trả khách của xe buýt nên tạo ra cảnh tượng giao thông rối loạn. Không chỉ có 1 chiếc xe đỗ mà cả tuyến đường Nguyễn Trãi có rất nhiều xe đỗ dọc 2 bên đường. Nhiều tuyến đường khác đều bị xe ô tô đỗ lấn hết cả phần hè, lòng đường.
 Xe ô tô đỗ ngay dưới lòng đường Nguyễn Trãi, bên cạnh biển không dừng đỗ xe. 
Hay một thông tin còn đang rất được nhiều người quan tâm đó là: Làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT bị rất nhiều người lấn làn, trong đó có cả xe biển xanh. Đặc biệt, kể từ 15/2, cơ quan bắt đầu xử phạt mạnh tay với những người đi xe vào làn đường BRT, nhưng việc cấm và phạt vẫn không có tác dụng. Bất kỳ lúc nào, không phải giờ cao điểm cũng vẫn rất đông người đi vào làn đường BRT.
 Rất nhiều người đi xe vào làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT.
Một biển cấm nữa mà cũng dễ bị người dân vi phạm ở nhiều nơi trên đô thị Hà Nội đó là, cấm đổ rác thải. Dạo quanh các khu dân cư, cứ nơi nào có biển cấm đổ rác thì ở đó có rất nhiều rác và để từ sáng đến tối, lúc nào cũng có rác.
Một điều đặc biệt nữa là, những nơi ao, hồ cũng là nơi xả rác của cư dân. Ngày đầu năm mới phóng viên vào chùa Trấn Quốc, khi ra bắt gặp rất nhiều rác gồm: Túi nilông, vỏ chai nhựa đựng nước được thả xuống hồ Tây, làm cho màu nước của hồ đen ngòm và cá đã không thể sống được trong môi trường ô nhiễm này.

Ý thức của người dân được đặt lên hàng đầu

Theo ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận Hà Đông: Năm 2017, Hà Đông sẽ đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị. Trong đó, nâng cao chất lượng sống cho người dân cả về kỹ thuật hạ tầng và môi trường sống thì ý thức của người dân phải được đặt lên hàng đầu, và mỗi cấp, ngành phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc phát triển, xây dựng đô thị. Vì người dân là chủ thể trong phát triển, xây dựng đô thị, họ vừa là người tham gia vào quá trình xây dựng, cải tạo đô thị và cũng là được hưởng lợi từ những lợi ích đô thị mang lại.
 Dưới biển cấm đổ rác là rất nhiều rác.
 Cả những chiếc xe đỗ không đúng nới quy định này đã làm mất hết cả đường đi của cư dân.
Chia sẻ nỗi bức xúc phải chịu cảnh tưởng đường đi bị chặn bởi xe đỗ và rác thải, một số hộ dân tại Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà nội cho biết: Tại khu vườn hoa gần nơi dân cư đã có biển cấm để rác và bán hàng rong, song buổi sáng tại đây vẫn rất đông người tụ tập bán hàng. Có lúc xe đỗ và hàng bán không còn lối để đi. Còn rác thải thì bỏ bừa bãi cả ngày, đêm. Ngay dưới biển chữ rất to của khu dân cư “cấm bán hàng rong, cấm đổ rác thải” có người còn viết thêm dòng chữ bằng tay “Hãy làm theo biển”, nhưng nó đều không có hiệu lực. Vì ngay dưới chân biển là đống rác. Bất kỳ lúc nào đi qua chúng ta đều bắt gặp cảnh tượng này.
 Nếu như không có rác thải vứt xuống hồ, thì cá đã không chết.
 
Như vậy, trong dân cư đã có người rất ý thức giữ gìn vệ sinh chung, giữ gìn cảnh quan, trật tự đô thị, nhưng cũng có một bộ phận thiếu ý thức, chỉ biết sạch nhà mình mà bỏ rác không vào giờ quy định, hoặc không có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định mà tùy tiện vức ra khu vui chơi chung của dân cư, vứt xuống hồ làm ô nhiễm môi trường sống; đậu xe trái quy định, đi xe vào làn đường cấm…

Đúng như ông Phụng nói, nếu ý thức của người dân không được nâng lên, thì cho dù cơ quan chức năng có tuyên tuyền, xử phạt những hành vi vi phạm kia vẫn tái diễn hết ngày này, tháng khác. Phải chăng Hà Nội cầm một biện pháp mạnh hơn để xiết chặt quản lý trật tự và môi trường đô thị.