Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu các hãng xe công nghệ tạm dừng dịch vụ giao nhận hàng. Ảnh minh hoạ |
Tạm dừng shipper để phòng dịch
Nhằm đảm bảo mục tiêu ngăn ngừa lây lan, tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất một loạt giải pháp trước mắt đối với lĩnh vực vận tải. Trong đó đáng chú ý là việc Sở GTVT Hà Nội có văn bản đề nghị tất cả hãng kinh doanh xe công nghệ như: Grab, Bee, Gojck, FastGo, My Go dừng hoạt động giao nhận hàng. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội lý giải, do các nhân viên nhận dịch vụ qua các ứng dụng đặt xe chỉ là đối tác kết nối của nhà cung cấp ứng dụng. Nhà cung cấp ứng dụng không quản lý lực lượng này nên không có đầu mối quản lý, hướng dẫn việc phòng, chống dịch. Nếu nhân viên giao hàng của các hãng công nghệ này vô tình trở thành tác nhân lây lan dịch bệnh Covid-19, hệ lụy sẽ khôn lường. Do hàng ngày mỗi shipper tiếp xúc với rất nhiều người, đi nhiều nơi, việc đảm bảo các biện pháp phòng dịch không được kiểm soát, giám sát đầy đủ. Lực lượng shipper trên địa bàn TP Hà Nội khá đông, nhất là từ khi nhiều đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động dẫn đến tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm. Song song với đó, việc người dân hạn chế ra khỏi nhà khiến nhu cầu sử dụng shipper tăng, nhiều người chuyển sang làm công việc này.Việc tạm dừng hoạt động của lực lượng shipper công nghệ có thể mang đến những khó khăn nhất định cho người dân, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này là cần thiết. Trên thực tế, những thành phố lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…, sau vụ việc shipper lây lan Covid-19, khó kiểm soát nguồn lây cũng buộc phải áp dụng biện pháp tạm cấm shipper công nghệ.Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau khi có lệnh cấm, trên các ứng dụng gọi shipper điện tử đều đã dừng hoạt động.
Sở GTVT Hà Nội đang xem xét xây dựng quy trình cấp mã thẻ nhận diện cho các phương tiện shipper. Ảnh minh hoạ |
Nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu đến từng nhà, đồng thời hạn chế người dân đi ra đường, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất sử dụng đội ngũ giao hàng được kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, các siêu thị được phép tổ chức đội giao hàng của mình; các đơn vị bưu chính viễn thông được giao hàng thiết yếu đến người dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp và các đơn vị phải lên danh sách và chịu trách nhiệm quản lý đối tượng này. Sở GTVT sẽ có văn bản hướng dẫn lực lượng giao hàng của các đơn vị bưu chính viễn thông, siêu thị.
Sở GTVT Hà Nội đang xem xét xây dựng quy trình để cấp mã thẻ nhận diện cho các phương tiện shipper hoạt động theo danh sách đề nghị của Sở Công Thương, đơn vị bưu chính viễn thông.Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ: “Lực lượng shipper quá đông, lại chỉ có liên hệ với đơn vị sử dụng qua các app, thực tế là hãng không kiểm soát được lịch trình cũng như việc thực hiện biện pháp phòng dịch của tài xế nên nguy cơ lây nhiễm khá cao”.
Ông Phan Trường Thành cũng cho rằng, các siêu thị khi sử dụng nhân viên của mình để giao hàng, hoặc người dân giao nhận qua các đơn vị bưu chính viễn thông là giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan Covid-19, bởi nhân viên của các đơn vị này được giám sát chặt chẽ, thường xuyên và trong trường hợp xấu cũng dễ truy vết hơn.
Hiện nay, trên hệ thống đăng ký “luồng xanh” của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa có mục cấp thẻ nhận diện cho xe 2 bánh. Vì vậy, các siêu thị, đại lý bưu chính viễn thông sẽ phải có danh sách tổng hợp danh tính tài xế, phương tiện phục vụ việc shipper gửi cho Sở GTVT để cấp mã xác nhận online qua số điện thoại của shipper. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, shipper sẽ trình mã xác nhận này để kiểm tra.
Lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội cho hay, trong quá trình thực hiện chỉ thị mới, nếu có các vấn đề phát sinh, Sở sẽ theo dõi và tổng hợp, báo cáo, tham mưu cho UBND TP Hà Nội để có chỉ đạo cụ thể. Theo chỉ đạo của UBND TP, Sở GTVT có trách nhiệm đảm bảo lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân.