Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn nguy cơ lan rộng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát và lây lan tại nhiều địa phương trên cả nước. Hiện, các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lan rộng đang được các tỉnh, TP tập trung triển khai quyết liệt.

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, bảo vệ đàn lợn tại tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Báo Lạng Sơn.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, bảo vệ đàn lợn tại tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Báo Lạng Sơn.

Hơn 22.000 con lợn bị tiêu huỷ

Tại tỉnh Lạng Sơn, chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành nông nghiệp. Hiện, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh này vào khoảng 186.000 con, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Với quy mô đàn lợn lớn, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2024 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lan nhanh. Đến nay, Lạng Sơn đã ghi nhận dịch bệnh bùng phát tại toàn bộ 11/11 huyện, TP trực thuộc tỉnh này.

Tổng số hộ có lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi lên đến 1.782 hộ tại 399 thôn thuộc 99 xã, phường. Cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã phải tiêu huỷ hơn 5.800 con lợn mắc bệnh, với tổng trọng lượng khoảng 272 tấn.

Cùng với Lạng Sơn, 40 tỉnh, TP khác trên cả nước cũng đang ghi nhận tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi phức tạp trong nửa đầu năm 2024. Hiện, cả nước đã phải tiêu huỷ hơn 22.000 con lợn. Dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng tại một số tỉnh như: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Nam, Quảng Ninh…

So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi tăng 2,4 lần; số lượng lợn phải tiêu huỷ tăng gần 94, trong khi số lượng thôn, xã/phường có dịch cũng tăng. Nhiều ổ dịch đến nay vẫn chưa qua 21 ngày…

Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Một trong những nguyên nhân là bởi giá lợn hiện đang tốt nên người chăn nuôi có xu hướng tái đàn ồ ạt, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ từng bị dịch.

Bên cạnh đó, ghi nhận thực tế cho thấy việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ lợn ở các địa phương hiện nay còn thiếu chặt chẽ. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học…

Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lây lan.
Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lây lan.

Trách nhiệm của các địa phương

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi phức tạp, thời gian qua, các địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh. Một số địa phương đã thực hiện tương đối hiệu quả, giúp ngăn chặn dịch bệnh này bùng phát, lây lan, trong đó có thể kể tới TP Hà Nội.

Chia sẻ về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, cùng với thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Bộ NN&PTNT về phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, TP đẩy mạnh chăn nuôi theo mô hình trang trại, phát triển các xã chăn nuôi trọng điểm để giảm dần chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán.

“Công tác giám sát dịch bệnh được ngành nông nghiệp Hà Nội thực hiện chặt chẽ, thường xuyên. Công tác giám sát lưu hành vi rút đảm bảo đúng đối tượng, là cơ sở dự báo sớm nguy cơ và chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi…” - ông Tạ Văn Tường nói thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng được Chính phủ rất quan tâm. Đến nay đã cơ bản có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo rất chi tiết, cụ thể cho từng bệnh, từng thời kỳ. Do đó việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện tại các địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã, các doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát, lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị UBND các tỉnh, TP chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, cần kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý kịp thời, dứt điểm các ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi phát sinh; ưu tiên nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. 

 

Giữa tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; trong đó nhấn mạnh: Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra dịch bệnh phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.