Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành bảo hiểm xã hội nỗ lực vượt khó trong bối cảnh Covid-19

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cán bộ bảo hiểm tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT cho người dân. Ảnh: Thảo Nguyên
Số người tham gia bảo hiểm giảm do Covid-19
Tính đến ngày 31/7, toàn ngành BHXH giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp một lần (trong đó 475.577 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần); 5.393.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 580.634 người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) cho hơn 92,490 triệu lượt người KCB nội trú và ngoại trú...
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, BHXH Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tổ chức, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của ngành. Việc triển khai chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... đang chịu ảnh hưởng, nhất là công tác thu và phát triển đối tượng. Tính đến hết tháng 7, số người tham gia BHXH cả nước là 15,27 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, thấp hơn 2,5% so với chỉ tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 01/2020/NQ-CP của Chính phủ (33,5%).
Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT và BH thất nghiệp đều giảm so với năm 2019; có đến 27 tỉnh, TP vẫn chưa đạt được các chỉ tiêu giao… Diễn biến phức tạp của dịch chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến công tác thu và phát triển đối tượng. Theo thống kê, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu, tỷ lệ nợ/số phải thu tăng 0,3% so với tỷ lệ nợ/số phải thu cùng kỳ năm 2019.
Tăng cường các giải pháp, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ
Tại hội nghị trực tuyến giao ban toàn ngành tháng 8, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, do tác động từ dịch Covid-19, nên nhiệm vụ những tháng cuối năm của ngành sẽ hết sức nặng nề. Với quyết tâm, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ giao, bảo đảm ngày một tốt hơn các quyền lợi an sinh của người tham gia, trong 5 tháng cuối năm 2020, BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản gồm:
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH tự nguyện. Triển khai thực hiện có hiệu quả về việc phát triển đối tượng tham gia BHXH. Thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể… đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc BHXH các tỉnh, TP trong việc triển khai thực hiện kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng BHXH, BH tự nguyện, BHYT năm 2020 được giao. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, DN nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BH. Kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
Đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BH thất nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tích hợp kết nối liên thông để cung cấp các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình.