Ngành học nhân văn
Công tác xã hội là một khoa học xã hội ứng dụng, được hình thành từ cuối thế kỷ XIX. Đến nay, công tác xã hội đã phát triển rộng khắp và trở thành một ngành khoa học và nghề chuyên môn phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Ngành công tác xã hội là ngành có nhiệm vụ đặc biệt so với những ngành nghề khác. Người làm công tác xã hội có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho những người không may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong cuộc sống. Đối tượng cần giúp đỡ có thể là người khuyết tật, trẻ em, người già, người có bệnh nan y, người nghèo…
Với mục tiêu giúp những nhóm người yếu thế sống tốt và hòa nhập với cộng đồng, ngành công tác xã hội mang một sứ mệnh nhân văn, nhân ái và giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội. Ngành công tác xã hội hỗ trợ, giúp đỡ những người khó khăn được sống bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng.
Mục tiêu của ngành học công tác xã hội là đào tạo sinh viên có đạo đức và tài năng làm việc được trong những lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội của con người, thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người hay vấn đề mới xuất hiện và nảy sinh trong đời sống xã hội thường ngày; xây dựng kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy và nhất là kỹ năng can thiệp giải quyết các vấn đề xã hội, tư vấn xây dựng các chính sách xã hội đáp ứng các nhu cầu phát triển của đất nước.
Nhân viên xã hội (social workers) là những người được đào tạo một cách chuyên nghiệp về công tác xã hội mà hành động của họ nhằm mục đích tối ưu hóa sự thực hiện vai trò của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào cải thiện, tăng cường chất lượng cuộc sống của cá nhân, nhóm và cộng đồng.
Mục tiêu của công tác xã hội là giúp các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng yếu thế, thiệt thòi, không bảo đảm được một hay một số chức năng xã hội có thể nhận thức, giải quyết vấn đề của mình và vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng góp phần ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển. Về mặt bản chất, công tác xã hội cố gắng giúp các thân chủ của mình mạnh lên để có thể tự giúp mình. Phạm vi tác động của công tác xã hội khá rộng lớn, liên quan đến mọi tầng lớp dân cư, mọi tổ chức, ngành nghề trong xã hội.
Lý do lựa chọn ngành công tác xã hội
Công tác xã hội đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, phát triển và trở thành một nghề ở Việt Nam. Trong xã hội hiện đại, công tác xã hội có vị trí và vai trò quan trọng. Cơ sở lý luận, nội dung, các phương pháp thực hành của ngành công tác xã hội không ngừng được hoàn thiện cả về phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn.
Hiện có rất nhiều trường đào tạo ngành công tác xã hội. Theo học ngành này, sinh viên được trang bị các kiến thức về chuyên ngành công tác xã hội gồm: tâm lý học, chính sách và phúc lợi xã hội, phân tích chính sách, nền tảng của Nhà nước phúc lợi, kinh tế và công tác xã hội, thực hành nghiên cứu xã hội...
Muốn theo học ngành công tác xã hội, thí sinh có thể xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT với những tổ hợp như: C00 (văn - sử - địa), C04 (văn - toán, địa), D01 (văn - toán - tiếng Anh), C14 (văn - toán - giáo dục công dân)… Các trường uy tín đào tạo ngành công tác xã hội ở nước ta hiện nay gồm: Trường Đại học (ĐH) Khoa học xã hội &nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường ĐH Lao động xã hội, Trường ĐH Công đoàn, Trường ĐH Thủ đô, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ… Điểm chuẩn ngành công tác xã hội tương đối ổn định, phổ biến từ 15 - 22 điểm.
Căn cứ chương trình học, các môn học tiêu biểu được giảng dạy khi theo học ngành công tác xã hội: hành vi con người và môi trường xã hội; chính sách và phúc lợi xã hội; phân tích chính sách; nền tảng của Nhà nước phúc lợi; quan điểm toàn cầu về công tác xã hội; kinh tế và công tác xã hội; thực hành công tác xã hội… Các chuyên ngành công tác xã hội có thể kể như: phúc lợi xã hội, công tác xã hội trong trường học, chính sách và kế hoạch, công tác xã hội và lão hóa…
Khi một người trở thành nhân viên công tác xã hội nghĩa là đang tạo nên tác động tích cực cho mọi người xung quanh từ những em nhỏ, người già neo đơn cho đến những người khuyết tật; được góp công sức nhỏ bé của mình để tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn, từ đó góp phần xây dựng xã hội văn minh, bền vững. Bởi vậy, nếu muốn học ngành công tác xã hội, ứng viên cần quan tâm đến 5 kỹ năng cần có của một nhân viên công tác xã hội như: EQ (trí tuệ cảm xúc) cao, tính kiên nhẫn, biết lắng nghe, giao tiếp tốt và biết cách tổ chức.
Điều đặc biệt hấp dẫn là cơ hội việc làm của ngành công tác xã hội rất đa dạng và có thể làm việc ở các môi trường khác nhau: tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính phủ, các tổ chức tư nhân, trường học, bệnh viện... Cụ thể, ứng viên hoàn toàn đủ năng lực đảm nhận các vị trí: nhân viên xã hội học đường, nhân viên xã hội tư pháp, chuyên viên tham vấn tâm lý, nhà quản lý dự án và phát triển cộng đồng… Một số công việc khác liên quan, cử nhân công tác xã hội có thể phụ trách như: hành chính văn phòng, báo chí truyền thông, nhân sự…
Tùy vào nhiều yếu tố khác nhau như kinh nghiệm, nơi làm việc, vị trí…, mức lương của ngành công tác xã hội sẽ khác nhau, thường dao động từ 7 - 10 triệu đồng. Bên cạnh mức lương chính, ứng viên còn được hưởng các chế độ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,… hay các phúc lợi khác tùy vào từng tổ chức.
Trên thế giới, công tác xã hội là một ngành nghề phát triển và chuyên nghiệp. Nếu có nhu cầu du học, sinh viên có thể lựa chọn học tại Úc, Canada, Anh… Ứng viên học ngành này cũng nên dành thời gian trau dồi, nâng cao năng lực ngoại ngữ để có nhiều cơ hội nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến trong tương lai.
Tại Việt Nam, ngành công tác xã hội được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-TT về Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của Chương trình là tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn, bảo đảm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.