Báo cáo của Bộ Công Thương về việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua (2011 - 2020) cho thấy: Ngành Công Thương đã đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Cụ thể, đến nay cả nước có 8.072/8.902 xã được nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện, chiếm 90,7%, tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với thời điểm năm 2015. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua bán tiêu thụ hàng hóa, tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng cao, trong 10 năm qua ngành Công Thương cả nước đã đẩy mạnh đầu tư, cải tạo hệ thống chợ truyền thống bằng nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa vốn đầu tư.
Riêng trong giai đoạn 2011 - 2018, cả nước đã xây mới trên 860 chợ; cải tạo nâng cấp trên 1.600 chợ hạng III, qua đó hỗ trợ người dân, DN tiêu thụ nông sản hàng hóa. Sau 10 năm thực hiện đã có 7.867 xã/8.902 xã trong cả nước cải tạo hệ thống hạ tầng thương mại, chợ truyền thống.
Thông qua việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng ngành điện, chợ truyền thống đến nay diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 4.522 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,8% tổng số xã, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015, về đích trước 1 năm so với mục tiêu 50% xã số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng trong quá trình triển khai, ngành Công Thương đã gặp không ít khó khăn.
Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết: Khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo dân cư sống không tập trung nên hiệu quả đầu tư lưới điện gần như không có, nên việc huy động vốn cho đầu tư khu vực này rất khó khăn.
Tương tự với hệ thống thương mại nông thôn, đa số các chợ nông thôn đã được xây dựng từ lâu, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu các hạng mục thiết yếu, hoạt động không hiệu quả, không thu hút được đầu tư, xã hội hóa, trong khi nguồn vốn ngân sách dành cho phát triển lại rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu.
Nhận thức của một bộ phận người dân, tiểu thương kinh doanh, cán bộ sợ mất quyền lợi, không muốn thay đổi nên ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi mô hình quản lý, tư tưởng còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng yêu cầu: Cục Công Thương địa phương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường trong nước và Sở Công Thương các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện cải tạo hệ thống điện, hạ tầng thương mại, chợ truyền thống khu vực nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh việc tổ chức các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa…
Qua đó giúp DN, HTX phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, ổn định phục vụ sản xuất, sinh hoạt giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn...
Tại hội nghị, Bộ Công Thương đã trao Bằng khen cho 105 tập thể và 133 cá nhân đã có thành tích trong việc thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.