"Tác động đến sản xuất điện tử tại Việt Nam"
Ngành điện tử trước "cơn bão" tăng thuế mới của Mỹ
Kinhtedothi - Việc Mỹ thực hiện các biện pháp tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và linh kiện,thiết bị điện tử đang tạo ra nhiều thách thức cho ngành công nghiệp này.
Tác động đến sản xuất điện tử tại Việt Nam

Việc Mỹ tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có lĩnh vực công nghệ và linh kiện, thiết bị điện tử đang tạo ra nhiều thách thức. Ảnh: Duy Khánh.
Ngày 2/4/2025 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế quan mới, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm bị áp mức thuế đối ứng cao nhất là 46%. Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng đến nước ta, khi Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, những tác động từ chính sách thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến 5 lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam. Trong đó, điện tử là một trong 5 nhóm ngành chính (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện) chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
Trích dẫn
Chính sách thuế quan mới của Mỹ áp dụng mức thuế cơ bản 10% cho hàng nhập khẩu và thuế đối ứng cao hơn cho hơn 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hàng loạt ngành nghề Việt Nam như đồ gỗ nội thất, dệt may, thủy sản, đặc biệt là linh kiện điện tử sẽ bị ảnh hưởng lớn từ mức thuế nêu trên.
Cụ thể, thuế quan cao hơn sẽ làm tăng chi phí sản xuất, khiến giá thành sản phẩm điện tử của Việt Nam tăng lên. Trong khi đó, các DN sản xuất điện tử tại Việt Nam có thể bị giảm doanh thu và lợi nhuận do nhu cầu hàng hóa giảm, gây khó khăn về tài chính và có thể dẫn đến việc thu hẹp sản xuất hoặc cắt giảm nhân công. Môi trường kinh doanh không chắc chắn do thuế quan có thể làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử.
Từ cuối những năm 1990, ngành điện tử của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và ngày càng gia tăng từ các thập kỷ tiếp theo. Khi thuế từ Mỹ tăng, việc xuất khẩu các sản phẩm điện tử này sẽ gặp khó khăn hơn. Đồng thời, việc tăng thuế có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt nếu các DN phải tìm kiếm các nhà cung cấp hoặc thị trường mới để thay thế.
Chuyên gia Kinh tế - TS. Cấn Văn Lực nhận định: Hiện nay, nhóm ngành điện tử chịu tác động hạn chế do đặc thù quy mô sản xuất và đầu tư lớn, công nghệ cao, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, do đó mức thuế mới có thể tác động tiêu cực tới các quyết định đầu tư dự án sản xuất bán dẫn vào Việt Nam trong tương lai.
Linh hoạt các giải pháp giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới từ Mỹ
Ngay khi có thông tin Mỹ dự kiến tăng thuế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025, có hiệu lực ngay từ ngày ký. Nghị định quy định giảm thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Mỹ như ô tô, ethanol, đùi gà đông lạnh, hoa quả với mức giảm dao động từ 30% đến 100% so với trước đây.
Mặc dù Nghị định 73/2025/NĐ-CP không đề cập trực tiếp đến linh kiện điện tử, nhưng các thay đổi trong chính sách thuế có thể tạo ra nhiều cơ hội và tác động tích cực đến ngành này thông qua việc giảm chi phí sản xuất, khuyến khích đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN trong lĩnh vực điện tử. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ vào Việt Nam, làm giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ…
Và ngay sau khi Mỹ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài…
Đối với cộng đồng DN trong lĩnh vực điện tử, để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực, các DN cần chủ động và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, thương vụ Việt Nam tại Mỹ hay Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu để nắm bắt tình hình và thông tin, diễn biến của thị trường, từ đó có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.
Theo TS Cấn Văn Lực, các DN cần đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết, trong đó hướng tới các thị trường lớn, nhiều tiềm năng... Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh tuần hoàn nhằm tận dụng nguyên liệu phế thải, giảm chi phí, giảm giá thành để có thể chia sẻ một phần chi phí thuế bị tăng lên cùng với đối tác.
Với những động thái trên, Chính phủ Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn kỳ hạn đàm phán thuế với Mỹ đến ngày 9/4 và bằng cách thực hiện các giải pháp phù hợp, Chính phủ và các DN có thể giảm thiểu tác động tiêu cực và duy trì sự phát triển của ngành.

Doanh nghiệp Việt linh hoạt với thuế quan của Mỹ để tận dụng cơ hội
Kinhtedothi - Chủ động, linh hoạt và mong kiến tạo môi trường kinh doanh đủ cạnh tranh để DN Việt chủ động thích ứng với các thay đổi trong chính sách thuế quan của Mỹ sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực và tận dụng cơ hội mới để phát triển.

Nông dân Canada đứng trước sức ép thuế quan từ Mỹ và Trung Quốc
Kinhtedothi - Trung Quốc chính thức áp dụng các mức thuế mới lên Canada, khiến nông dân nước này “mắc kẹt” giữa áp lực thương mại từ cả hai siêu cường quốc.

Kỳ vọng vào thuế quan mềm mỏng hơn, S&P 500 tăng 3 phiên liên tiếp
Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên trong bối cảnh giới đầu tư đã có kỳ vọng lớn hơn vào lập trường chính sách thương mại linh hoạt hơn từ chính quyền Tổng thống Donald Trump vào tuần tới.