Nhiều lựa chọn cho sinh viên
Sau đại dịch Covid -19, ngành du lịch đang khởi sắc trở lại, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều tăng mạnh. Thống kê cho thấy, quý I/2024, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT đánh giá, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Với tín hiệu tích cực này, ngành du lịch kỳ vọng sẽ tạo được đột phá và đón được 18 triệu lượt khách du lịch theo mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Nắm bắt được xu thế của tương lai, có rất nhiều cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên cả nước mở ngành đào tạo liên quan đến dịch vụ du lịch như: Quản lý dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Việt Nam học - Văn hóa du lịch, Hướng dẫn du lịch, Quản trị lữ hành, Quản lý khách sạn - nhà hàng - resort… Với các trường này, dịch vụ du lịch là một trong những ngành thu hút đông đảo sinh viên nhất với số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển ở mức cao.
Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết: năm 2021, có 199.166 nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ cá nhân, trong đó 48.334 thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1. Nhóm ngành này đứng thứ tư trong những nhóm ngành có sự cạnh tranh về xét tuyển mạnh nhất, trên tổng số 24 nhóm ngành. Năm 2022, nhóm ngành này cũng đứng trong tốp 7 nhóm ngành có lượng thí sinh đăng ký thi vào nhiều nhất. Năm 2023, du lịch - khách sạn - thể thao và dịch vụ cá nhân cũng là nhóm ngành xếp tốp 10 ngành có tỷ lệ nhập học cao nhất.
Điều đáng chú ý, điểm chuẩn ngành du lịch luôn ở mức ấn tượng. Năm 2023, ngành Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của các trường đại học như: Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Thương mại… có điểm chuẩn từ 24,5 trở lên (tổ hợp A, D) tính thang điểm 30 và với Trường ĐH Hà Nội, điểm chuẩn ngành du lịch ở mức gần 34 điểm (theo thang điểm 40).
Theo Liên Chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường ĐH có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng; 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 sinh viên, học viên trên khoảng 22.000 học sinh tuyển dụng đầu vào. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên ĐH, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, khoảng 18.200 học viên hệ trung cấp, ngoài ra còn có khoảng 5.000 sơ cấp và đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng.
Mỗi năm ngành du lịch Việt Nam cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng chỉ có 14.000 sinh viên ra trường, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, ĐH trở lên. Chính nhu cầu cao về nhân lực trong khi số lượng sinh viên được đào tạo hàng năm thấp đã khiến cho quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành trở thành một trong những nghề hot, lương khủng.
Trước đòi hỏi của thị trường và người học, chương trình đào tạo du lịch yêu cầu có nhiều cải tiến linh hoạt để thích ứng, phù hợp.
“Trung bình 5 năm, chúng tôi sẽ sửa đổi tổng thể chương trình đào tạo. Mỗi lần như vậy, chúng tôi luôn mời các chuyên gia du lịch, giám đốc nhân sự của các công ty lữ hành lớn trong cả nước để góp ý về chương trình đào tạo sao cho sát với nhu cầu thực tế” - PGS. TS Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết.
Yêu cầu nhân sự trình độ cao
Theo chia sẻ từ Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, sinh viên ngành du lịch có nhiều lựa chọn hấp dẫn về việc làm. Mức thu nhập cho vị trí quản lý khách sạn, du lịch quy mô vừa đạt 10 - 15 triệu đồng/tháng và 45 triệu đồng/tháng trở lên ở các khách sạn đạt chuẩn 5 sao. Mức lương khởi điểm nghề quản lý du lịch có thể dao động từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Với kinh nghiệm và chức danh cao hơn, mức lương có thể vượt quá 20 triệu đồng/tháng hoặc hơn.
Riêng với nghề hướng dẫn viên du lịch có mức lương khá tốt. Đối với hướng dẫn viên du lịch trong nước mức lương cứng dao động từ 7 - 10 triệu đồng/tháng; hướng dẫn viên du lịch quốc tế có mức thu nhập cao hơn, dao động từ 15 - 30 triệu/tháng, chưa tính tiền tip từ khách du lịch, tiền thưởng của công ty.
Nhìn khái quát về nguyện vọng học ngành du lịch của học sinh, sinh viên hiện nay có thể thấy, phần lớn các em học du lịch vì “thích đi du lịch” mà chưa có suy nghĩ sâu sắc về định hướng nghề nghiệp cũng như bồi đắp những kiến thức, kỹ năng còn thiếu. Điều này dẫn đến nhân lực du lịch vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch còn thấp, sức cạnh tranh yếu.
Chủ tịch Liên Chi hội đào tạo du lịch Việt Nam - GS.TS Đào Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.
“Tại Vietravel, 90% lực lượng ứng viên mới tốt nghiệp đều cần đào tạo lại để có thể thích ứng dần với công việc. Kỹ năng giao tiếp và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với khách hàng, với đồng nghiệp của một số ứng viên còn nhiều hạn chế. Năng lực ngoại ngữ và thái độ làm việc chưa đạt như kỳ vọng. Do vậy, các đơn vị cần chú trọng đào tạo lý thuyết gắn kết với thực hành, nâng cao yêu cầu về kỹ năng nghề, kỹ năng xử lý tình huống và ưu tiên kỹ năng giao tiếp thông thạo bằng ngoại ngữ" - Giám đốc Nhân sự Công ty Du lịch Vietravel Trần Thị Việt Hương chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngành du lịch, khách sạn những năm gần đây đã có sự thay đổi để bắt nhịp với chuyển đổi số. Đặc biệt trong những năm xảy ra đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã làm thay đổi các khái niệm du lịch truyền thống, cách tiếp cận và dẫn dắt nhu cầu du khách. Tiếp cận và nâng cao trình độ công nghệ cũng là đòi hỏi quan trọng đặt ra cho nhân sự ngành du lịch.
Theo các chuyên gia, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và đang có sự phục hồi sau đại dịch. Các sinh viên cần biết tận dụng thời gian, tận dụng tốt cơ hội bằng việc trang bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp để nhanh chóng bắt nhịp với ngành.
Không chỉ ngành du lịch, bất cứ ngành nào trong quá trình chuyển đổi số cũng đòi hỏi nhân sự có hiểu biết về công nghệ thông tin. Do vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành kinh doanh du lịch số cũng có cơ hội nghề nghiệp rộng hơn. Việc tích lũy kiến thức, kỹ năng liên ngành trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết đối với người học.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa