Theo thống kê, cả nước hiện có 2.219 nhà giáo là liệt sỹ, trong đó Hà Nội có 257 nhà giáo. Hà Nội có 1.010 nhà giáo thuộc diện đối tượng chính sách (358 nhà giáo là thương binh, 141 nhà giáo là vợ liệt sĩ, 493 nhà giáo là con liệt sĩ và 18 nhà giáo là bố mẹ liệt sĩ).
Khi đất nước hòa bình, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người chiến sĩ- nhà giáo là thương binh, thân nhân của liệt sĩ cũng vượt lên mọi hoàn cảnh, nỗi đau của thân thể, di chứng của chiến tranh để tiếp tục công hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người cao quý.
Thấm nhuần đạo lí "Uống nước nhớ nguồn", trong những năm qua, ngành GD&ĐT Thủ đô, Hội Cựu giáo chức TP và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội luôn quan tâm công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đối với các nhà giáo là thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ, góp phần bù đắp, sẻ chia phần nào những đau thương, mất mát chiến tranh gây ra. Đây vừa là tình cảm, là sự tri ân, vừa là trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong ngành đối với các thế hệ nhà giáo đi trước có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Thực tế đã có nhiều nhà giáo là thương binh, thân nhân liệt sĩ được đề bạt, bổ nhiệm giữ các vị trí quản lý quan trọng của ngành GD&ĐT; các nhà giáo là thân nhân gia đình liệt sĩ luôn phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Giáo dục nói chung.
Được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương có nhiều chia sẻ xúc động về những người thân trong gia đình đã cống hiến một phần xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đồng thời biểu dương các đơn vị ngành Giáo dục Thủ đô cùng các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" và việc làm thiết thực tri ân các nhà giáo thương binh, thân nhân gia đình liệt sỹ và mong rằng hoạt động này sẽ được tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Là một người chiến sĩ từng có nhiều năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Nam ác liệt, nhà giáo Nguyễn Chí Dũng, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học- Sở GD&ĐT Hà Nội đã ôn lại những kí ức của một thời rực lửa với nhiều hy sinh nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Với bản lĩnh "thương binh tàn nhưng không phế”, khi hòa bình lập lại, nhà giáo Nguyễn Chí Dũng đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và khi hết tuổi công tác về sinh hoạt tại khu dân cư, đồng chí luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động cũng như thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình.
Cũng tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã được nghe câu chuyện cảm động của chị Vũ Thị Phượng- giáo viên trường THCS Gia Thụy, quận Long Biên- có bố đẻ và chồng là liệt sĩ. Câu chuyện của người con, người vợ liệt sĩ ấy đã chạm đến cảm xúc của mỗi người và tự hào hơn khi chị Phượng luôn nhận được sự quan tâm của ngành Giáo dục, của đồng nghiệp và các đoàn thể. Trong cuộc sống, phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, chị luôn nỗ lực nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, học giỏi; là người con hiếu đễ, là nhà giáo mẫu mực, hoàn thành nhiệm vụ với thành tích xuất sắc.
Được biết, trước khi diễn ra buổi gặp mặt, đại diện Sở GD&ĐT- Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội đã đến thắp hương, dâng hoa, báo công, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Hà Nội; đồng thời đã cử các đoàn công tác trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà đại diện các nhà giáo cựu giáo chức, đương chức là thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ.