Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành giao thông chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ

Minh Thư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT vừa có Công điện số 26/CĐ-BGTVT gửi các Cục yêu cầu chủ động mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ.

Bộ GTVT vừa có Công điện số 26/CĐ-BGTVT gửi các Cục: Đường bộ Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ.

Ngành giao thông chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ - Ảnh 1
Nhiều tuyến đường đô thị ở Tam Kỳ (Quảng Nam) bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Triển khai Công điện số 908/CĐ-TTg ngày 10/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 31/CĐ-QG hồi 09h00 ngày 10/10/2022 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị theo phạm vi trách nhiệm được giao tiếp tục thực hiện chỉ đạo tại các Công điện số 23/CĐ-BGTVT ngày 30/9/2022, số 24/CĐ-BGTVT ngày 1/10/2022; đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để chủ động thực hiện các biện pháp, phương án phòng, chống nhằm hạn chế thiệt hại cho người tham gia giao thông, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.

Cục Đường bộ Việt Nam: Chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ II và III chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương có phương án tổ chức, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, bị đứt đường, đoạn đường bị sạt lở; kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí nêu trên khi không đủ điều kiện lưu thông an toàn... nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến quốc lộ.

Tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu yếu, khu vực đường xung yếu. để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất; đường bộ sau mưa, lũ, phải giữ được mặt đường êm thuận, các công trình thoát nước luôn thông thoát, cắm hệ thống báo hiệu, biển báo đầy đủ, rõ ràng. Quá trình triển khai khắc phục hậu quả mưa, lũ và đảm bảo giao thông phải chú ý đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam: Đôn đốc các đơn vị quản lý đường thủy nội địa kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, lũ gây ra; kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (như tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, cọc neo, trụ neo, phao neo...) đảm bảo sẵn sàng ứng cứu. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông các cầu trong và sau mưa, lũ ở những vị trí trọng yếu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia.

Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam: Chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra các công trình, các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn do mưa, lũ gây ra và gia cố đảm bảo an toàn chạy tàu; thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước...

Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thiết bị máy móc và vật tư dự phòng để tham gia cứu chữa, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt do mưa lũ gây ra nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu và giao thông thông suốt.

Chỉ đạo các đơn vị vận tải hành khách chủ động phối hợp với các Sở Giao thông vận tải tổ chức tăng bo, chuyển tải hành khách khi tắc tuyến đường sắt. Chuẩn bị sẵn thực phẩm, nhu yếu phẩm để phục vụ hành khách trong trường hợp dừng tàu nhiều giờ do mưa lũ.

Sở Giao thông vận tải các địa phương: Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Khu Quản lý đường bộ II, III và các đơn vị quản lý và sữa chữa đường bộ, đường thủy nội địa chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc. triển khai khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra. Tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương, tổ chức hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các khu vực giao thông bị ngập nước, các bến đò để đảm bảo an toàn; phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách theo đề nghị của các đơn vị liên quan.

Rà soát xác định các vị trí hư hỏng nặng mà việc sửa chữa đảm bảo giao thông không giải quyết được triệt để; đề xuất giải pháp, quy mô và kinh phí khắc phục, gửi cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình.