Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành khoa học công nghệ Hà Nội chờ cú huých từ Luật Thủ đô sửa đổi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ chế chính sách đặt thù, vượt trội được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ là hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, giúp cho ngành khoa học công nghệ Hà Nội có bước đột phá và phát triển mạnh mẽ.

Nhiều cơ, chế chính sách vượt trội

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cụ thể hóa được khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ (KHCN) gắn với thực tiễn sản xuất. Đồng thời xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST), nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực.

Phối cảnh khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Phối cảnh khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo đó, dự thảo Luật đã có những quy định để đẩy mạnh phát triển KHCN Thủ đô như đổi mới mạnh mẽ, đột phá, tháo gỡ các ách tắc về cơ chế quản lý khoa học; xác định các lĩnh vực KHCN trọng điểm của Thủ đô và áp dụng các ưu đãi nổi trội để thu hút, phát huy tối đa tiềm lực của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức khoa học, công nghệ tham gia chủ trì, thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm. Đồng thời, cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực. Hay, trao quyền cho TP lập quy hoạch và xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao, bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Trung ương về Hà Nội quản lý, phù hợp với quy hoạch chung về khu công nghệ cao Thủ đô.

Một điểm quan trọng nữa trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp, cán bộ, giảng viên có thể làm chủ các doanh nghiệp ấy. Điều này giúp cho kết quả nghiên cứu khoa học trong các viện, trường đi vào cuộc sống nhanh hơn, phục vụ cho mục tiêu phát triển của Thủ đô cũng như cả nước.

Trong phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, các đại biểu đánh giá cao đối với các quy định về chính sách vượt trội về KHCN trong dự thảo Luật Thủ đô.

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) bày tỏ đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội. Đây là một giải pháp quan trọng, nổi trội nhằm tạo cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần thiết thực hiện mục tiêu thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao thành lập các trung tâm ĐMST, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội. Tuy nhiên, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và thẩm quyền quản lý đất đai của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Còn theo đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) bày tỏ nhất trí việc bổ sung quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức KHCN công lập khác trên địa bàn Hà Nội được thành lập doanh nghiệp và cho phép viên chức làm việc tại các tổ chức đó được tham gia, quản lý, điều hành nếu được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức. “Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của chính sách, tôi đề nghị cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan, nhất là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật KH&CN, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng, chống tham nhũng” - đại biểu Tạ Đình Thi góp ý.

Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy KHCN Thủ đô

Trên thực tế, khi Luật Thủ đô ( sửa đổi ) chưa được thông qua, rất nhiều rào cản đối với lĩnh vực KH&CN của Hà Nội đã được chỉ rõ, làm cản trở sự tăng trưởng bền vững của TP. KHCN và ĐMST chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá. Hệ thống cơ chế, chính sách về KHCN chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới, chuyển giao, nâng cao công nghệ… Vì vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ chế, chính sách đột phá để KHCN thực sự trở thành động lực quan trọng phát triển Thủ đô bền vững.

Đánh giá cao đề xuất quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật, việc sử dụng ngân sách không được gây thất thoát; nay dự thảo Luật chấp nhận có rủi ro sẽ tạo được những cú huých, động lực phát triển ĐMST. “Đã nghiên cứu khoa học thì sẽ có rủi ro. Khoa học là phải có tìm tòi, đi trước và có dự báo, phải có cơ chế chấp nhận rủi ro thì các nhà khoa học mới dám lao vào cuộc” - PGS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.

Đặt nhiều kỳ vọng khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch hội đồng trường Đại học Thủ Đô nhận định, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ được giải quyết. Đây là tín hiệu đáng mừng để các hoạt động KHCN sau này được dễ dàng đưa vào ứng dụng thực tế hơn so với hiện nay.

Bên cạnh đó, việc đầu tư mua sắm trong lĩnh vực KHCN cũng được tháo gỡ. Theo quy định của pháp luật phải tổ chức đấu thầu, nhưng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), việc mua sắm, thuê mướn các dịch vụ sẽ giao cho chính đơn vị chủ trì tự quyết định phương thức lựa chọn nhà thầu. Việc này giúp đơn vị chủ trì và chủ nhiệm chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, rút ngắn thời gian và quan trọng là để các nhà khoa học tập trung vào công tác chuyên môn.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cũng đặt nhiều kỳ vọng vào điểm mới của dự thảo Luật, đó là Hà Nội được phép dùng ngân sách của TP hỗ trợ cho các trường Đại học – Viện Nghiên cứu – các doanh nghiệp, các tổ chức công nghệ hình thành các phòng thí nghiệm trọng điểm để phát triển hướng nghiên cứu ưu tiên của Thủ đô. Nếu Luật được thông qua, Hà Nội sẽ tận dụng được nguồn nhân lực, các chuyên gia khoa học trên địa bàn thủ đô thay vì Hà Nội không phải thành lập những tổ chức mới.