Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành lúa gạo có được gì từ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, kiểm nghiệm nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào… mục tiêu của vùng lúa chất lượng cao 1 triệu ha sẽ tạo thêm niềm tin, nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, xây dựng thương hiệu gạo uy tín trên trường quốc tế.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xuất khẩu gạo, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ về kế hoạch triển khai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, hiện Bộ đang giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng Đề án cụ thể để tổ chức triển khai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đối với đề án này, 1 triệu ha lúa không có nghĩa là quy hoạch cố định về mặt địa điểm, diện tích lúa được phân bổ cụ thể cho từng tỉnh, mà là trên cơ sở xây dựng những tiêu chí cơ bản về vùng nguyên liệu lúa chuyên canh 1 triệu ha chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, trước mắt, 1 triệu ha lúa chất lượng cao dự kiến tập trung ở các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, một phần Kiên Giang (và có thể ở một số địa phương khác).

Vùng lúa chất lượng cao phải đảm bảo quy trình phát triển bền vững, nhất là trong sử dụng nguyên liệu đầu vào, theo hướng giảm phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... Đối với tiêu chuẩn vùng lúa chất lượng cao, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Đề án lần này xác định phải đảm bảo các yếu tố như: Sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và thế giới, đồng thời hướng sử dụng các giống lúa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng và nhu cầu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ hạt gạo.

Đặc biệt, vùng lúa chất lượng cao sẽ áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Những vùng lúa chất lượng cao phải được áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống… góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia (Cam kết COP26).

Với các vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết sẽ được cơ giới hóa, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ hơn, được số hóa vùng trồng, truy suất nguồn gốc và được tích hợp các công nghệ thông minh, kiểm soát dịch bệnh, tưới nước tự động…

Mục tiêu tạo niềm tin và thu nhập cao hơn cho người trồng lúa, giúp người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lúa gạo, đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, xây dựng thương hiệu gạo uy tín trên thị trường quốc tế. Dự kiến Đề án sẽ lấy ý kiến các DN, chuyên gia và địa phương kỹ càng trước khi trình Thủ tướng vào quý 2/2023.