Kẻ cười
Với báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016 vừa được các ngân hàng công bố, có thể nhận thấy ngành này không có quá nhiều bất ngờ lớn. Trong đó 3 ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận vẫn là những tên tuổi quen thuộc gồm Vietinbank, Vietcombank và BIDV.
Theo báo cáo của Vietinbank, tính đến hết 30/9/2016, lợi nhuận trước thuế đạt 6.485 tỷ đồng, tăng 13,27% so với cùng kỳ năm trước, đạt 82,1% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 5.194 tỷ đồng, tăng 16,41% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính riêng trong quý 3/2016, tổng thu nhập của VietinBank đạt hơn 20,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,25% so với cùng kỳ năm trước; lãi thuần đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,75% so với cùng kỳ năm trước.
Vietinbank vẫn dẫn đầu về lợi nhuận trong ngành ngân hàng |
Đối với Vietcombank, kết quả kinh doanh cũng rất khả quan khi lãi thuần 9 tháng đầu năm đạt 13,6 nghìn tỷ đồng. Các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối hay mua bán chứng khoán cũng là những “mỏ vàng” khi mang về cho ngân hàng này khoản thu nhập tổng cộng lên tới 3.532 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tính từ đầu năm cho tới hết tháng 9/2016 đạt 6.326 tỷ đồng tương đương 84% kế hoạch đề ra cả năm. Về tổng tài sản, tính đến ngày 30/9, Vietcombank đang có 737 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với thời điểm đầu năm.
Mảng tối duy nhất của Vietcombank tính từ đầu năm là mua bán chứng khoán đầu tư, khi phải gánh chịu khoản lỗ 44,8 tỷ đồng so với mức lãi 158 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nợ xấu đến hết quý 3/2016 của ngân hàng là 7.808 tỷ đồng, tương đương 1,7%, trong đó nợ có khả năng mất vốn đang ở mức cao với 5.448 tỷ đồng, chiếm 70% tổng nợ xấu.
Về phía BIDV, mặc dù xếp thứ 3 về lợi nhuận tính từ đầu năm trong ngành nhưng đà tăng trưởng của ngân hàng này đã bị hãm lại đáng kể do gánh nặng về chi phí dự phòng. Cụ thể, tính tới hết 30/9, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 16.5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2015. Tổng tài sản của BIDV đạt trên 947 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với thời điểm đầu năm. Lợi nhuận trước và sau thuế từ đầu năm đạt lần lượt 5.623 tỷ và 4.569 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ.
Cũng trong 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV là 6.939 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ năm 2015. Cho vay khách hàng 9 tháng đạt 673.196 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cuối năm 2015. Tiền gửi của khách hàng đạt 712.197 tỷ, tăng trưởng mạnh trên 25%. Về nợ xấu đang đạt con số 13,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 46% lên mức 6.947 tỷ đồng.
Điểm sáng đáng chú ý nhất của ngành ngân hàng trong 9 tháng 2016 thuộc về LienVietPostBank, lần đầu tiên kể từ năm 2013, đà lợi nhuận liên tục sụt giảm đã được ngăn chặn. Tính lũy kế từ đầu năm, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 865 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản đạt 133 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với thời điểm đầu năm. Huy động vốn đạt 107 nghìn tỷ đồng, tăng 34%; cho vay khách hàng đạt 71.880 tỷ đồng, tăng 29,5% so với đầu năm.
Người khóc
Nếu có ngân hàng nào muốn quên đi tình hình kinh doanh của mình trong 9 tháng năm 2016 nhất, có lẽ đó là KienLongBank. Trong quý 3/2016, ngân hàng này có lãi thuần đạt 172 tỷ đồng, giảm 12%, lợi nhuận trước thuế đạt 8,89 tỷ đồng, kém hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2015. Tính tới thời điểm này, tổng lợi nhuận trước thuế của KienLongBank đạt 19,8 tỷ đồng, giảm gần 90% lợi nhuận so với thời điểm cùng kỳ.
Tình hình kinh doanh đang vô cùng ảm đạm với KienLongBank |
Không đến nỗi thê thảm như KienLongBank nhưng tình hình kinh doanh của Eximbank cũng không hề sáng sủa. Điều này có thể nhận thấy thông qua tổng tài sản của ngân hàng này tiếp tục giảm, tính đến hết 30/9, con số này còn 123,9 nghìn tỷ đồng, hạ nhẹ so với mức 124,8 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015. Cho vay khách hàng giảm xuống còn 79,5 nghìn tỷ đồng, hạ đáng kể so với mức 83,8 nghìn tỷ đồng cuối năm ngoái.
Lũy kế lợi nhuận từ đầu năm của Eximbank chỉ đạt 202,3 tỷ đồng, chưa bằng một phần ba của cùng kỳ năm trước. Nợ xấu tăng mạnh lên mức 2,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,35% tổng dư nợ, trong khi cuối 2015 con số này chỉ là 1,5 nghìn tỷ. Trong đó nhóm nợ dưới tiêu chuẩn đã tăng rất mạnh từ 182 tỷ cuối 2015 lên tới hơn 1.006 tỷ đồng ở thời điểm sau 30/9.
Cái tên thứ 3 có tình hình kinh doanh ảm đạm trong 9 tháng 2016 là Sacombank. Ngân hàng này có lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm chỉ hơn 550 tỷ đồng, giảm tới gần 75% so với mức hơn 2,1 nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế quý 3/2016 cũng chỉ đạt 187 tỷ đồng, trong khi quý 3/2015 đạt trên 615 tỷ đồng.
Về nợ xấu của Sacombank nhóm dưới tiêu chuẩn tăng mạnh từ 231 tỷ đồng đầu năm lên 922 tỷ đồng; Nhóm nợ nghi ngờ cũng tăng mạnh, từ 147 tỷ đồng lên 602 tỷ đồng; Nợ có khả năng mất vốn vẫn ở mức 3,09 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 3/2016 ở mức 2,36%.