Ngành ngân hàng thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trên nền tảng số

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, kéo theo đó thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng đột biến.

Hơn 90% giao dịch của khách hàng thực hiện qua kênh số

Nhiều con số trong báo cáo mới đây của NHNN cho thấy, hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%; nhiều ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, trong vài năm gần đây, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt được sự tăng trưởng rất mạnh mẽ. Trong năm 2022, tổng số lượng và giá trị giao dịch qua hệ thống NAPAS tăng trưởng 92% về số lượng giao dịch và 83% về giá trị giao dịch so với năm 2021. Số người sử dụng dịch vụ thẻ tăng trưởng 93% và người dùng tài khoản tăng 174% so với 2021. Tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt trên tổng số lượng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm từ 12,1% trong năm 2021 xuống mức 6,9% trong năm 2022. Kết quả này cho thấy xu hướng của người dân ngày càng quen và ưa chuộng thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, tính trung bình một ngày có 12-15 triệu giao dịch chuyển khoản chạy qua hệ thống của NAPAS với số tiền giao dịch lên tới 150-170.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây không chỉ là những giao dịch thanh toán giữa cá nhân với nhau, mà còn là những giao dịch cho thanh toán mua bán các hàng hóa, dịch vụ giữa cá nhân với các cửa hàng, với các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ. Việc phát triển các giao dịch điện tử lan dần từ TP đến những đơn vị nông thôn, hải đảo xa xôi…

Báo cáo thống kê của Cốc Cốc đưa ra 4 xu hướng nổi bật nhất mà người Việt quan tâm trong năm 2022, bao gồm: Thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu; Cao cấp hóa; Dịch chuyển số, mua sắm trực tuyến và Nâng cao trải nghiệm, giá trị sống. Dựa trên số liệu từ báo cáo, xu hướng nổi bật nhất của người dùng Việt trên Internet chính là mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiền mặt.

Theo báo cáo, có tới 47% người dùng chọn sử dụng phương thức thanh toán hiện đại, bao gồm: chuyển khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng nội địa, thẻ tín dụng. Nguyên nhân được đưa ra là do tiết kiệm thời gian mua bán, tiện lợi trong việc thanh toán và có nhiều ưu đãi hơn so với mua và thanh toán trực tiếp.

Không ngừng đầu tư công nghệ mới

Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, nhiều Nghị định, Thông tư được ban hành như: Thông tư hướng dẫn mở tài khoản và phát hành thẻ bằng phức điện tử (eKYC), nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, các tiêu chuẩn về QR code, thẻ chip, bảo mật thông tin. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã nâng cấp hạ tầng thanh toán vận hành theo chuẩn quốc tế, có khả năng kết nối các hệ thống thanh toán xuyên biên giới, ứng dụng các công nghệ mới trong xử lý dữ liệu, đồng thời kết nối, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hay gần đây nhất là dịch vụ Mobile Money đã được NHNN cấp phép triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc, phục vụ nhu cầu thanh toán của người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ cần có sóng điện thoại là có thể thực hiện các giao dịch thanh toán.

Đánh giá của NHNN cũng cho thấy, hệ thống ngân hàng đã liên tục triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán với nhiều tiện ích cho người dân. Những ngân hàng ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt trên 90% hiện nay như: TPBank, VIB, MB,… đều là những ngân hàng tiên phong và mạnh tay khi đầu tư các công nghệ mới nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Năm 2021, Việt Nam được Công ty Tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với đà tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ trong những năm tới, bởi các nhà băng vẫn không ngừng đầu tư công nghệ mới, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (ML), Dữ liệu lớn (Big Data),... để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Để kiến tạo ngân hàng số gắn với tương tác, nâng cao trải nghiệm khách hàng và giúp ngành ngân hàng phát triển bền vững, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm Sandbox cũng cần sớm ban hành, thông qua Luật Giao dịch điện tử sửa đổi… Từ đó, giúp các ngân hàng tự tin, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để có thể thử nghiệm những công nghệ mới. Mặt khác, quá trình hoàn thiện lang pháp lý cần phải lấy ý kiến từ thực tiễn để đảm bảo tính phù hợp.

“Năm 2023 sẽ là một năm đầy khác biệt, áp lực lạm phát, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm. Bởi vậy, ngành ngân hàng cần có những bước đột phá mới để thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn, tiết kiệm chi phí, hiệu quả hơn và bền vững hơn” - TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

 

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có đánh giá cao về việc đi đầu trong chuyển đổi số của ngành ngân hàng. NHNN cũng được xếp vị trí thứ 1 về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ 2 về chỉ số thể chế số và xếp thứ 4 về chỉ số hoạt động chuyển đổi số.