Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành ngôn ngữ chưa bao giờ hết nóng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Luôn nằm trong nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học cao, việc làm với mức lương hấp dẫn, sinh viên tự tin khi mới ra trường… là những minh chứng thể hiện sức hấp dẫn của ngành ngôn ngữ.

Trả lời câu hỏi về việc “ngành ngôn ngữ có hết thời không?", các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, ngành này chưa bao giờ hết sức nóng của nó.

Nhiều lợi thế

Ngôn ngữ học là ngành chuyên đào tạo nhân lực cho mục đích nghiên cứu chuyên sâu các nội dung liên quan đến một ngôn ngữ nhất định như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Đức, tiếng Nga… Những nội dung này có thể là lịch sử phát triển ngôn ngữ, ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa … trong mỗi từ, mỗi câu mà ngôn ngữ đó biểu đạt.

Ngành học này không chỉ mang đến cho người học khả năng hiểu biết sâu về ngôn ngữ, mà còn mở ra nhiều cơ hội công việc thông qua khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ đó trong các hoạt động giao tiếp bằng lời nói hoặc bằng văn bản.

Học sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Học sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ở Việt Nam, ngôn ngữ là ngành học khá phổ biến, có lịch sử vài chục năm nay tại nhiều trường đại học danh tiếng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập, những năm gần đây, không ít trường đại học chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế, tài chính, sư phạm, công an… cũng mở ngành đào tạo ngôn ngữ dưới nhiều tên gọi khác nhau.

Ngành ngôn ngữ luôn có điểm chuẩn từ cao đến rất cao; thậm chí có thời điểm, điểm đầu vào của khối ngành ngôn ngữ theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT lên đến trên 30 điểm… Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng và sức hút mạnh mẽ trong tuyển sinh của ngành học này.

Học ngành ngôn ngữ đòi hỏi sinh viên phải cần cù, chăm chỉ để rèn luyện hàng ngày. Bên cạnh đó, người học cũng cần có sự năng động, tinh thần cởi mở khi tiếp thu giá trị tốt đẹp từ các nền văn hóa và tri thức mới.

"Ngoài ra, người học ngôn ngữ cần hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam để giới thiệu với các bạn bè, đối tác quốc tế. Mỗi người học ngôn ngữ đều là một sứ giả của đất nước mình khi giao tiếp với người của một quốc gia khác” - TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Hà Nội cho biết.

“Theo kênh thống kê độc lập thì sinh viên giỏi ngoại ngữ ra trường có mức lương cao hơn 1 - 2 triệu đồng so với sinh viên khối ngành khác. Thế mạnh này nằm trong tay các sinh viên ngành ngôn ngữ nói chung” - TS Nguyễn Thị Cúc Phương nói.

Giống như nhiều ngành khác, ngôn ngữ cũng đang gặp thách thức trước những biến động và sự phát triển của công nghệ. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần đón trước sự phát triển công nghệ để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp.

Tuy nhiên, công nghệ không thay thế hoàn toàn con người. Ví dụ như ngành dịch thuật vẫn cần con người để biên tập, xử lý những tình huống cụ thể mà công nghệ không thể thay được.

Đa ngành, đa nghề và mức lương hấp dẫn

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, ngôn ngữ trở thành cầu nối giữa các quốc gia, quyết định sự thành - bại trong các mối quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội… Đặc biệt là tiếng Anh, ngôn ngữ chính thức của hơn 50 quốc gia trên thế giới và là ngôn ngữ thứ hai của hơn 1 tỷ dân số.

Nắm chắc một ngôn ngữ trong tay là mở ra thêm một cơ hội nghề nghiệp, giúp sinh viên vững bước trên con đường trở thành công dân toàn cầu. Theo thống kê, cả nước có hơn 80 trường đào tạo ngành ngôn ngữ Anh.

Ngành ngôn ngữ Anh ở mỗi trường khác nhau sẽ có đặc thù và chương trình đào tạo khác biệt. Sinh viên theo học ngành tiếng Anh tại ĐH Bách khoa Hà Nội thì trọng tâm sẽ hướng tới các kỹ năng ngôn ngữ trong môi trường kỹ thuật.

Sinh viên khi ra trường ngoài khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trong các môi trường làm việc thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ còn có thể biên dịch các văn bản bằng tiếng Anh, đặc biệt là các tài liệu thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ, phiên dịch trong các hội thảo, khóa học, giao dịch trực tiếp, giảng dạy tiếng Anh trong các cơ sở đào tạo, làm công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ngôn ngữ và quản lý giáo dục.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Thị Việt Nga - Trưởng khoa ngoại ngữ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông tin: ngành ngôn ngữ Anh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đào tạo biên dịch liên quan đến báo chí, hướng cho các em sau khi ra trường sẽ làm phóng viên, biên tập viên mảng quốc tế, dịch thuật, cập nhật các thông tin nước ngoài, thế giới. Đây cũng là sự khác biệt về chương trình đào tạo của nhà trường với các cơ sở đào tạo khác.

Với trường ĐH Hà Nội - cơ sở đào tạo ngôn ngữ truyền thống và đặc thù thì với mỗi ngành ngôn ngữ, sinh viên sẽ có thời gian học kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành và kiến thức chuyên ngành.

Từ năm thứ 3, sinh viên học ngôn ngữ của Trường ĐH Hà Nội sẽ được lựa chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp nhu cầu với nhiều cơ hội việc làm và mức lương hấp dẫn.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành ngôn ngữ có thể làm ở nhiều vị trí công việc khác nhau: biên dịch viên, phóng viên, phiên dịch viên; chuyên viên cho ngành truyền thông, tổ chức sự kiện, thư ký, trợ lý.

Ngoài ra, các em cũng có thể tham khảo thêm ngành liên quan như giáo viên, giảng viên hoặc trợ giảng giảng dạy, nghiên cứu tại các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, THPT, trung tâm ngoại ngữ…

Đánh giá về cơ hội nghề nghiệp sau khi học ngành ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ Anh nói riêng, TS Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, trong thời gian tới ngành dịch thuật vẫn sẽ phát triển và nở rộ.

Hiện nay, các em sau khi ra trường có kiến thức, năng lực về ngoại ngữ có rất nhiều cơ hội việc làm. Nhiều công việc cho các em lựa chọn như dịch thuật tại các công ty hoặc cơ quan báo chí, giáo viên, tham gia các hoạt động văn hóa, du lịch, quảng cáo với mức lương cao và ổn định.

Không dừng lại ở cơ hội việc làm, sinh viên học ngành ngôn ngữ cũng có nhiều thuận lợi nếu muốn tiến xa hơn trên con đường học tập và xây dựng sự nghiệp. Đơn cử như muốn học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam cũng như ở các ngôi trường quốc tế; ngoại ngữ - nhất là tiếng Anh là điều kiện đầu tiên cần phải có. Do vậy, ngành ngôn ngữ luôn là ngành học hot, đáng để các bạn trẻ theo đuổi.

 

Nước ta đang cố gắng để hội nhập quốc tế và muốn hội nhập, chúng ta phải có ngoại ngữ. Chưa kể, sinh viên vào trường, ra trường bắt buộc phải có chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Tiếp đó còn là cơ hội việc làm, mức lương của sinh viên khi mới ra trường qua thống kê cao hơn khi các em làm chủ ngoại ngữ. Đây cũng là lợi thế của ngành ngôn ngữ…

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội - TS Nguyễn Thị Cúc Phương