Tăng trưởng đạt đỉnh mới
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng đạt khá, đặc biệt là lúa Đông Xuân đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay (68,3 tạ/ha); chăn nuôi lợn phục hồi và chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, tổng đàn lợn và gia cầm thời điểm cuối tháng 6 ước tăng lần lượt 11,6% và 5,4% so với cùng thời điểm năm trước. Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại các thị trường nước ngoài tăng trở lại, sản lượng tôm thẻ chân trắng 6 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 8,17% vào mức tăng chung, chiếm 12,15% trong cơ cấu kinh tế của cả nước). Trong đó nông nghiệp gồm trồng trọt và chăn nuôi tăng 3,71%; lâm nghiệp tăng 3,98%; thủy sản tăng 4,25%. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm sản, thủy sản đạt trên 3,6%, trong đó nông nghiệp tăng 3,51%; lâm nghiệp tăng 3,5; thủy sản tăng 4,1%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, với tốc độ tăng giá trị 3,82% thì tăng trưởng nông nghiệp lại đạt đỉnh cao mới trong bối cảnh đặc biệt khó khăn của dịch Covid-19. Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong bức tranh tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản là điểm sáng nhất. Dù chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh, đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó nông sản chính xuất khẩu 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4.05% tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch khoảng 6,7 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc đứng thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu 4,75 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2020. Sự tăng trưởng này có được là nhờ vào sự nỗ lực của DN xuất khẩu trong việc ứng phó linh hoạt với các diễn biến phức tạp về dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như nỗ lực mở rộng thị trường, tránh được tình trạng tập trung vào một số ít thị trường truyền thống. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, nỗ lực mở cửa thị trường, tận dụng lợi thế từ các FTA.
Tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng
Kết quả tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 là minh chứng cho quá trình tái cơ cấu trong nông nghiệp hiệu quả. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, năm 2021, Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai có hiệu quả tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó tập trung vào giải quyết những khó khăn, vướng mắc của dịch Covid-19 đối với vấn đề tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa. Đồng thời tập trung nâng cao khả năng chế biến quy mô lớn, quy mô vừa và nhỏ, quy mô nông hộ.
Ngay từ đầu năm, Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều nhóm giải pháp, gồm: Tổ chức sản xuất tốt, thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ, vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm hữu cơ. Cùng với đó, Bộ cũng thường xuyên phối hợp với DN, các hiệp hội ngành hàng từ đó điều chỉnh sản xuất theo tín hiệu của thị trường.
Tuy nhiên, theo Thứ Trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đối diện nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn đó là tác động của dịch Covid-19, khiến nhu cầu nhiều mặt hàng nông sản bị giảm sút. Trong khi đó, công nghệ chế biến trong nước chưa đáp ứng nhu cầu.
Trước những thách thức, Bộ NN&PTNT đặt ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm – thủy sản. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp cần phải bám sát diễn biến từ thị trường quốc tế để có những điều chỉnh phù hợp. Tập trung và khai thác những sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, giải quyết khó khăn về thủ tục thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.