Bài 2: Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao
Đưa tri thức vào nông nghiệp
Nhận thấy lợi thế đất đai màu mỡ ven sông Hồng, cùng nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm hoa cao cấp, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích đã ấp ủ ý định biến nơi đây thành vùng đất của lan Hồ Điệp. Sau vài năm tìm hiểu, HTX đã phối hợp với một số viện nghiên cứu và Tập đoàn hoa Flora quốc tế, từng bước nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới tiêu tự động, điều chỉnh ngoại cảnh vào sản xuất hoa lan.
|
Chăm sóc hoa lan Hồ Điệp tại Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng |
Đến nay, diện tích sản xuất hoa lan của HTX Đan Hoài đã được mở rộng lên 12.500m2. Một phòng nuôi cấy mô hiện đại cũng đã được xây dựng, giúp HTX kiểm soát được nguồn cây giống. Cùng với đó là hệ thống làm lạnh, bảo quản hoa sau thu hoạch. Nhờ sự đầu tư bài bản, khoa học, những năm qua, HTX Đan Hoài sản xuất trung bình khoảng 250.000 cây hoa các loại. Doanh thu của HTX đạt từ 4 - 5 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho trên 30 lao động…
Sản xuất hoa lan Hồ Điệp ứng dụng CNC tại HTX Đan Hoài chỉ là một trong tổng số 123 mô hình nông nghiệp CNC đang phát triển trên địa bàn Hà Nội. Điều đáng mừng, ứng dụng CNC đã diễn ra tại hầu khắp các địa phương, nhóm lĩnh vực nông nghiệp. Một số mô hình đang phát huy tính ưu việt có thể kể tới như: Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức), mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đa Tốn (huyện Gia Lâm), chuỗi chăn nuôi lợn khép kín AZ của HTX Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai)…
"Bên cạnh rà soát, đổi mới cơ chế chính sách theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, Hà Nội cần sớm phê duyệt quy hoạch phát triển cho các vùng sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt gây mất cân bằng cung cầu thị trường. Song song với đó là đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo nhằm phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh, huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển nông nghiệp CNC." - Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng |
Đến nay, tỷ lệ ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt khoảng 25%. Tuy quy mô còn nhỏ, nhưng các mô hình đang mang lại năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 - 12% và giá trị kinh tế tăng thêm từ 25 - 28%.
Hiệu quả từ thực thi chính sáchNhững bước phát triển đến nay của nông nghiệp CNC có được nhờ một phần quan trọng từ các cơ chế, chính sách của TP. Trên cơ sở dồn điền đổi thửa, từ năm 2013 đến nay, TP đã ban hành Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các DN trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014 - 2020; Một số chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2016 - 2020… Hà Nội cũng tích cực triển khai Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Cụ thể hóa mục tiêu phát triển nền nông nghiệp CNC, hai năm qua, Hà Nội cũng đã từng bước triển khai xây dựng, tiến tới đưa vào hoạt động một loạt trung tâm nghiên cứu, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Có thể kể tới như: Trung tâm Giống thủy sản CNC (huyện Chương Mỹ); Trạm thực nghiệm sản xuất giống cây trồng CNC (huyện Thường Tín); Trạm thụ tinh nhân tạo, sản xuất tinh bò chất lượng cao, tinh bò phân ly giới tính và tinh dịch lợn cao sản (huyện Gia Lâm)…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết thêm, thực hiện Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, TP cũng đã rà soát, lập và trình Bộ NN&PTNT bổ sung vào quy hoạch 7 khu nông nghiệp CNC. Những trung tâm sáng tạo này sau khi hoàn thành sẽ là tiền đề quan trọng thu hút các nhà đầu tư, đưa CNC dần đi vào thực tiễn sản xuất.
(Còn nữa)