Sản xuất nông nghiệp ổn định giữa đại dịch

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đối mặt với những thách thức lớn từ dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, qua đó duy trì đà tăng trưởng. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân vẫn chuyên tâm việc đồng áng
Có mặt tại vựa rau thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, ngay từ sáng sớm, không khí sản xuất nơi đây đã khá tấp nập, người cuốc đất, người gieo hạt, tưới nước… Đang nhanh tay thu hoạch luống hành hoa, chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã xuất hiện các ca dương tính với virus SARS-CoV-2, chúng tôi cũng khá lo lắng, nhưng không vì thế mà sao nhãng việc đồng áng. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch, tôi cũng tăng gia sản xuất bởi nhu cầu về rau xanh trên thị trường vẫn rất cao”.
Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiền Lệ Nguyễn Văn Hào, toàn xã Tiền Yên có 31ha trồng rau màu, trong đó có khoảng 10ha trồng theo mô hình sản xuất an toàn có liên kết với DN được đảm bảo thu mua số lượng và giá cả ổn định. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến giá rau xanh giảm khoảng 20% nhưng nhịp sản xuất của người dân nơi đây vẫn duy trì ổn định do được bao tiêu đầu ra.
Cánh đồng rau màu thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức
Tương tự, tại HTX rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), hơn 50ha rau, củ đang phát triển tốt, nhiều diện tích đang cho thu hoạch rộ. Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết: “Hiện nay trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường 5 tấn rau các loại. Rau của HTX trồng trong nhà màng, nhà lưới nên sản xuất vẫn ổn định, nguồn cung dồi dào”.
Không chỉ rau màu, hiện nay các vùng chăn nuôi trên địa bàn TP cũng đang duy trì sản xuất ổn định. Hộ anh Đặng Đức Đắc ở xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn hiện đang duy trì hơn 6.000 gà tại trang trại, trung bình mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Đắc chia sẻ, giai đoạn hiện nay dù gặp khó khăn không nhỏ về đầu ra của sản phẩm cũng như chi phí thức ăn chăn nuôi tăng nhưng gia đình vẫn cố gắng duy trì sản xuất để không bỏ trống trang trại và ổn định nguồn cung ra thị trường. “Giai đoạn này, việc sản xuất của trang trại được lên kế hoạch rõ ràng theo tín hiệu thị trường. Bên cạnh đó, tôi cũng thực hiện nghiêm chỉnh phòng dịch Covid-19 trong mọi công đoạn chăn nuôi như nhập thức ăn, xuất ra thị trường” – anh Đắc cho hay.
Nguồn cung dồi dào
Dịch Covid-19 khiến ngành nông nghiệp đối diện vô vàn thách thức, đó là khan hiếm và tăng giá của hầu hết các nguyên liệu đầu vào, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… Ở chiều ngược lại, đầu ra nông sản bị gián đoạn, giá cả bấp bênh. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chủ động lên kịch bản ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp Thủ đô đã vượt lên những khó khăn. Ngoài nguồn cung tại chỗ, TP còn tăng cường hợp tác, kết nối các sản phẩm nông, lâm, thủy sản với 21 tỉnh, thành, phát triển được 706 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn với 141 chuỗi, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm động vật và 85 chuỗi sản phẩm thực vật.
Hiện, mỗi tháng Hà Nội có thể cung cấp ra thị trường tới 700.000 tấn rau, củ các loại với hơn 40 chủng loại rau, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương khẳng định: “Ngay cả trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, giao thương khó khăn, Hà Nội cũng không thiếu hụt nguồn cung rau xanh các loại”.
Cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Tổng đàn trâu, bò trên địa bàn TP là 164.000 con, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020; đàn lợn 1.576.672 con, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2020; đàn gia cầm 38,6 triệu con. Trong 6 tháng đầu năm, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP cơ bản ổn định. Một số ổ dịch tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục… xảy ra nhỏ lẻ nhưng đã được kiểm soát kịp thời.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm; thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Do đó, bên cạnh phòng chống dịch Covid-19, các địa phương cần song song phát triển sản xuất, căn cứ theo khả năng của địa phương và nhu cầu thị trường để lên kế hoạch sản xuất; đảm bảo vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài ra, cần nghiên cứu điều chỉnh một số loại cây trồng vật nuôi mới phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đưa vào các hệ thống siêu thị. Chú trọng hơn tới bảo quản, sơ chế, chế biến sâu để nâng cao giá trị, đảm bảo chất lượng cũng như kéo dài mùa vụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần