Trưởng khoa Thông tin – Thư viện, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) – ĐH Quốc gia Hà Nội Đỗ Văn Hùng cho biết, hiện nay cả nước chưa có đơn vị nào mở và đào tạo chính quy ngành QLTT. Vì thế QLTT của trường ĐH KHXH&NV được coi là ngành đầu tiên ở Việt Nam kể từ khi Bộ GD&ĐT điều chỉnh tên mã ngành. Theo thầy Hùng, QLTT giữ vai trò quan trọng trong kỷ nguyên số bởi tất cả các cơ quan, DN đều muốn quản trị thông tin một cách tốt nhất. Những người làm QLTT có nhiệm vụ quan trọng là giúp thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin cho nhu cầu của cơ quan, tổ chức, DN.
Để làm được tốt công việc quản trị thông tin, trong chương trình đào tạo cử nhân ngành QLTT, sinh viên sẽ được trang bị tư duy hệ thống. Người quản trị thông tin không nhất thiết phải là chuyên gia IT giỏi nhưng phải biết được vai trò, chức năng của CNTT. Đồng thời phải có kiến thức kinh doanh trong DN. Đặc biệt, phải biết cách thu thập, xử lý, QLTT, phân tích tổng hợp. Chương trình đào tạo của Khoa Thông tin – Thư viện hướng sinh viên ngành QLTT được thực hành nhiều hơn với thời lượng 30 – 40%. Từ năm học thứ nhất, thứ hai, sinh viên được trải nghiệm để hiểu về DN, khi trở về trường sẽ xác định và thấy được tầm quan trọng của các môn học đối với ngành QLTT. Năm thứ ba, sinh viên được tham gia sâu hơn vào các hoạt động của DN và năm cuối có thể tư vấn cho cơ quan, DN cách tổ chức QLTT.Theo thầy Đỗ Văn Hùng, những sinh viên được đào tạo ngành QLTT khi ra trường nếu say mê làm việc thì hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia về số liệu thông tin, giúp cho người quản lý biết được năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân viên, tài chính, cơ sở vật chất, kinh nghiệm của đơn vị mình.
Qua đó, họ dễ dàng ra quyết định chính xác khi thực hiện dự án, thay vì yêu cầu nhân viên làm báo cáo mà đôi khi không xác thực bằng số dữ liệu thường xuyên được cung cấp. “Hiện nay, đa số DN của Việt Nam đang yếu về QLTT dẫn đến ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh. Vì thế, học ngành QLTT các bạn có nhiều cơ hội việc làm và phát triển trong nghề” – thầy Dũng cho hay.