Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành Quản trị kinh doanh nhiều cơ hội việc làm

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi số DN vừa và nhỏ đang ngày càng phát triển, đồng nghĩa với việc thiếu rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Quản trị kinh doanh (QTKD). Đây là cơ hội cho những người học QTKD tìm được việc làm đúng nghề với mức thu nhập khá.

 Ảnh minh họa
Hiện nay, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều trường đại học (ĐH) có ngành QTKD, song mỗi cơ sở đào tạo theo hướng riêng và có thế mạnh khác nhau. Ở ĐH Thủ đô Hà Nội, ngành QTKD đào tạo theo 3 chuyên ngành: Quản trị Marketing, Quản trị DN, Quản trị Truyền thông và thương hiệu. “Khoa phân chia theo 3 hướng để người học nhận biết rõ nét chuyên ngành, có thể làm hẹp đi cơ hội việc làm nhưng lại "sáng" hơn về vị trí công việc.
Sinh viên học xác định được rất rõ sẽ làm gì, ở đâu sau khi tốt nghiệp. Nếu các bạn muốn tổ chức, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, có tinh thần khởi nghiệp thì chọn chuyên ngành Quản trị DN; hay yêu thích marketing thì học chuyên ngành Quản trị Marketing; hoặc muốn chuyên sâu về truyền thông, quảng cáo có thể chọn Quản trị Truyền thông và thương hiệu …” - ông Đào Trường Thành – Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Kinh tế - Đô thị ĐH Thủ đô cho hay.
Áp dụng mô hình đào tạo “3 + 1” là một điểm mới đang được ĐH Thủ đô thực hiện với ngành QTKD. Theo đó, trong 3 năm đầu sinh viên được học chung khối kiến thức của ngành kinh tế; thời lượng thực hành được dồn vào 1 hoặc 1,5 năm cuối cùng của khóa học QTKD. Thực hiện mô hình này, nhà trường và DN cùng phối hợp với nhau để sinh viên vừa được làm, trải nghiệm thực tế, DN đào tạo, người học thậm chí được hỗ trợ kinh phí. Sinh viên được đào tạo công việc ngay từ trong nhà trường, khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể làm được việc ngay tại DN.
Cùng với việc chú trọng trang bị cho sinh viên khả năng ngoại ngữ, ĐH Thủ đô còn có ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng - cực kỳ “hot” hiện nay. Sinh viên học ngành QTKD hoàn toàn có cơ hội học song song ngành Logistics để khi ra trường có được hai tấm bằng, đồng nghĩa với cơ hội việc làm rộng mở.

Nhưng để tìm được một công việc ngay trong năm cuối cùng ở trường ĐH, qua kinh nghiệm đào tạo theo mô hình “3+1”, thầy Đào Trường Thành khuyên sinh viên xóa bỏ tư tưởng đi thực tập là để lấy điểm số. Thực tập chính là cơ hội để các bạn chứng tỏ khả năng của mình với DN và tích lũy kinh nghiệm trong công việc cho bản thân. Nếu sinh viên biết tận dụng thời gian thực tập, các bạn sẽ đạt điểm số cao, tiếp cận ngay với công việc và thậm chí được tiếp nhận vào làm việc ngay khi còn trên ghế nhà trường.