Sứ mệnh mới của ngành TT&TT
Ngày 12/1, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức dự Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị cùng các cán bộ thuộc Bộ TT&TT.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ở thời điểm hiện tại đang là giai đoạn đặc biệt với không chỉ Việt Nam mà còn với toàn thế giới. Đó là sự dịch chuyển từ thế giới thực vào thế giới số với thách thức lớn và cơ hội lớn luôn đi song hành. Ngành TT&TT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Và đây cũng là cơ may hiếm có để ngành TT&TT định vị lại mình.
Nếu lĩnh vực bưu chính là chuyển phát thư và bưu kiện thì bưu chính sẽ vẫn là bưu chính. Nhưng nếu bưu chính là đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, nếu bưu chính là nền tảng để hỗ trợ mọi cá nhân, mọi hộ gia đình có thể kinh doanh, có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, thì bưu chính là nền tảng giúp người dân kinh doanh làm giàu và thoát nghèo.
Nếu viễn thông vẫn tiếp tục là hạ tầng thông tin liên lạc thì viễn thông sẽ vẫn là viễn thông. Nhưng nếu viễn thông là hạ tầng của nền kinh tế số, nếu viễn thông là hạ tầng của lưu trữ và xử lý dữ liệu, nếu viễn thông là hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ tới mọi người, mọi doanh nghiệp để giúp họ sáng tạo sản phẩm thì viễn thông đã trở thành hạ tầng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế số.
Nếu ứng dụng CNTT vẫn tiếp tục là tự động hóa các hoạt động cũ thì sẽ vẫn là ứng dụng CNTT. Nhưng nếu ứng dụng CNTT là sử dụng công nghệ số để chuyển đổi số, để thay đổi mô hình vận hành thì CNTT thực sự là một cuộc cách mạng giúp nhân loại di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số.
Nếu an toàn thông tin (ATTT) vẫn là bảo vệ hệ thống CNTT thì sẽ vẫn như vậy. Nhưng nếu ATTT là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, là xây dựng nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng (AT, ANM) giống như công nghiệp quốc phòng, là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm AT, ANM Việt Nam, là trở thành cường quốc về AT, ANM để bảo vệ đất nước trên không gian mạng thì ATTT sẽ thực sự có một không gian và sứ mệnh mới vô cùng lớn lao.
Nếu lĩnh vực công nghiệp ICT vẫn là lắp giáp, gia công, làm thuê thì lĩnh vực này cẫn như cũ. Nhưng nếu công nghiệp ICT là Make in Viet Nam, là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là làm chủ công nghệ, là thiết kế, là sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, là giải bài toán Việt Nam giúp, Việt Nam phát triển và từ đây đi ra chinh phục thế giới, là biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ, là tăng trưởng gấp 2 - 4 lần tăng trưởng GDP cả nước, là động lực, là lời giải đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, thì lĩnh vực công nghiệp ICT đã nhận về mình một sứ mệnh hoàn toàn mới, hoàn toàn không như cũ nữa.
Nếu báo chí vẫn tiếp tục là đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào thì báo chí vẫn như cách đây hàng trăm năm. Nhưng nếu báo chí là phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngấm sâu vào từng người dân, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển thu nhập cao, thì báo chí đã nhận về mình một sứ mệnh mới.
Không chỉ nêu lên sứ mệnh mới của các lĩnh vực thuộc ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn nhấn mạnh 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng không chỉ với ngành mà còn với cả đất nước. Đây là năm đầu của giai đoạn 5 năm để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, là năm đầu của giai đoạn 25 năm để Việt Nam năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Và con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đã đến lúc cần thay đổi mạnh mẽ, dứt khoát là yêu cầu tiên quyết với không chỉ ngành TT&TT mà còn với mọi bộ, ngành. Nếu không thay đổi, đổi mới mạnh mẽ hơn thì không chỉ không tận dụng được cơ hội, tụt hậu, mà nhiều ngành sẽ chết.
Theo Phó Thủ tướng, 5G là công nghệ mạng mà Việt Nam cần tập trung bởi hiện tại, không giống như 3G/4G, với 5G chúng ta đang đi cùng với tốc độ của thế giới. Trong giai đoạn 5 năm qua, đặc biệt là qua chương trình Make in Vietnam, các doanh nghiệp trong nước đã chứng tỏ khả năng sản xuất, tạo ra các nền tảng phục vụ cho người Việt. Việt Nam đã có thể làm ra những thiết bị 5G.
"2 năm trước, chúng ta rất căng thẳng về câu chuyện tin xấu độc, sự lấn lướt gần như hoàn toàn, tuyệt đối của các công ty đa quốc gia nước ngoài trên thị trường Internet Việt Nam. Thời điểm đó, tôi phát biểu trước Quốc hội là an toàn, an ninh mạng ở Việt Nam đứng thứ 100, có nhiều chỉ tiêu quan trọng tồi nhất thế giới như thư rác, mã độc. Sau đó, chúng ta đã bàn nhau, gọi tất cả doanh nghiệp, nhà mạng lớn, chuyên gia an toàn, an ninh mạng. Cuối cùng, chúng ta quyết định, đã là an toàn thông tin thì Việt Nam phải tự làm. Rất nhiều ý kiến lúc đó không tin, nhưng đến giờ có thể nói là cơ bản làm được", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Công nghiệp ICT xuất siêu lớn nhất nền kinh tế
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành TT&TT đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, bưu chính tăng hạng từ thứ 57 lên thứ 49; ICT tăng hạng từ thứ 108 lên thứ 77; Chính phủ điện tử tăng hạng từ thứ 89 lên thứ 86. Đặc biệt, an toàn, an ninh mạng tăng hạng đột phá từ thứ 100 lên thứ 50. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT tăng từ 780.000 lên hơn 1 triệu người.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị. |
Đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông; đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore. Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.
Năm 2020 đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiến lược Make in Viet Nam. Số doanh nghiệp công nghệ số tăng 28%, đạt gần 60.000 doanh nghiệp.
Cũng tại Hộ nghị, Bộ TT&TT đã chính thức công bố Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Được biết, 12 nền tảng số tham gia chương trình này sẽ triển khai nhiều chính sách ưu đãi. Trong đó, chính sách ưu đãi tối thiểu bao gồm 3 điểm chính: Miễn phí trải nghiệm sử dụng nền tảng trong thời gian 3 tháng; Ký hợp đồng sử dụng 1 năm được miễn phí sử dụng 6 tháng (giảm 50%); Miễn phí các khoá đào tạo, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nền tảng.
Cùng với đó, 3 nền tảng hỗ trợ có mục đích giúp các cơ quan báo chí tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả cũng được Bộ TT&TT đưa ra thông qua Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí. Các nền tảng này gồm: Quản lý tòa soạn điện tử; Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội; Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp.