Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành thuốc lá trong nước trước áp lực thuế mới: cân nhắc thận trọng để không gây lãng phí

Thanh Hằng
Chia sẻ Zalo

Việc tăng sốc thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sẽ gây ra những hệ lụy gì? Ảnh hưởng đến mục tiêu chống lãng phí như thế nào? Và cần làm gì để có được giải pháp phù hợp? Hãy cùng thử đặt vấn đề tăng thuế TTĐB với thuốc trong mối tương quan với mục tiêu chống lãng phí. 

Cân nhắc để không gây lãng phí

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) một lần nữa cần được đưa ra xem xét, điển hình là vấn đề tăng thuế TTĐB trong ngành thuốc lá. Theo những người trong cuộc, nếu chính sách thuế không phù hợp sẽ gây ra sự lãng phí, giảm sút hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước khi thuốc lá là một ngành kinh doanh có điều kiện được quản lý chặt chẽ bởi Nhà nước và 5 đầu mối chính đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá điếu đều là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường  (Đoàn Hà Nội) nêu ý kiến áp thuế TTĐB với thuốc lá là cần thiết song kiến nghị không nên tăng sớm mà phải lùi lại sau năm 2026, và sau 5 năm tăng lần hai để đảm bảo đi theo hướng phục hồi kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường  (Đoàn Hà Nội) nêu ý kiến áp thuế TTĐB với thuốc lá là cần thiết song kiến nghị không nên tăng sớm mà phải lùi lại sau năm 2026, và sau 5 năm tăng lần hai để đảm bảo đi theo hướng phục hồi kinh tế.

Lãng phí ra sao?

Việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là cần thiết nhằm hạn chế tiêu dùng và điều tiết sản xuất. Tuy nhiên, nếu thuế tăng sốc với lộ trình không phù hợp sẽ gây tác dụng ngược, không những không thể đạt mục tiêu đặt ra mà còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cả về mặt kinh tế lẫn xã hội.

“Ngành thuốc lá có một đặc điểm khác với các ngành khác là các đầu mối sản xuất lớn trong ngành đều là các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do đó tác động đến các doanh nghiệp trong ngành cũng tác động đến hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước và nguồn thu ngân sách Nhà nước”- Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phan Minh Thủy nêu ý kiến. Theo mô hình đánh giá tác động của việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (NIF - Bộ Tài chính), sản lượng thuốc lá hợp pháp ở cả 2 phương án tăng thuế trong dự thảo đều giảm mạnh vào năm 2030: thuốc lá hợp pháp giảm 30% ở phương án 1 (tương đương giảm 28 tỷ điếu) và giảm 36% ở phương án 2 (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025 trước khi tăng thuế. Điều này sẽ gây ra thiệt hại cho ngành thuốc lá, các doanh nghiệp hợp pháp có thể phá sản trong thời gian ngắn khi doanh thu sụt giảm khoảng 32% - 35%, và đồng nghĩa các khoản đầu tư của Nhà nước từ trước đến nay cho ngành thuốc lá sẽ trở nên lãng phí. 

Làn sóng buôn lậu ồ ạt vào Việt Nam dẫn đến tăng chi phí cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá. Đây cũng là một dạng lãng phí.

Theo mô hình phân tích của PwC ( một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) cho thấy, nếu thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh tại Việt Nam, thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu vào năm 2030. Bên cạnh đó, khi người tiêu dùng chuyển đổi sang thuốc lá lậu chứa nhiều chất cấm do giá thuốc lá hợp pháp tăng cao đột biến thì hệ quả tăng chi phí y tế để xử lý là rất lớn. Đây là sự lãng phí lớn về nguồn lực y tế. Tiếp đến, những thiệt hại cho ngành thuốc lá do thuế tăng cao và đột ngột cũng sẽ dẫn đến nguy cơ mất công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và người nông dân trong toàn chuỗi cung ứng, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để giải quyết vấn đề an sinh xã hội. 

Ngành thuốc lá hợp pháp hiện đang tạo ra khoảng 1,1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp tại Việt Nam, bao gồm nhân viên nhà sản xuất, nhân viên nhà phân phối, người nông dân vùng trồng nguyên liệu và người lao động tại các điểm bán lẻ trên toàn quốc. “Hàng ngàn người đang hưởng lợi từ việc trồng lá thuốc lá, họ có cuộc sống bền vững. Họ sẽ phải nghĩ đến chuyển đổi trồng cây gì, nuôi con gì. Đây là một điều rất khó và mất một thời gian để hình thành lại hệ thống thu mua”- Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.  

Nhìn từ kinh nghiệm Thái Lan, các thông tin được đưa ra cho thấy rủi ro lãng phí khi áp dụng chính sách tăng thuế đột ngột mà chưa có sự chuẩn bị lộ trình hợp lý và các biện pháp hỗ trợ chuyển đổi kinh tế cho những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng. Trong một bài viết đăng vào tháng 2/2024 trên Bangkok Post, Trưởng Ban Quản lý Thuốc lá Thái Lan (TAT) Poomjit Pongpanngam cho biết, những người nông dân ký hợp đồng với cơ quan này nhận ra rằng doanh thu của TAT bị ảnh hưởng bởi cơ cấu thuế thuốc lá mới. Vì lợi nhuận của cơ quan này đã giảm, nên trong ba năm qua, họ đã mua ít hơn 50% thuốc lá từ nông dân, làm giảm thu nhập của 500.000 nông dân. TAT cũng công bố rằng họ sẽ dành 1,3 tỷ baht để trợ cấp sản xuất cho những người trồng thuốc lá. 

Tăng thuế như thế nào để không đi ngược lại “chống lãng phí”?

Tăng thuế TTĐB đối với các mặt hàng như thuốc lá là chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm điều tiết sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm có hại cho sức khỏe cũng như tăng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên cần có những giải pháp bổ trợ đi kèm, tính toán hợp lý về mức tăng, lộ trình thực hiện phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá có thời gian thích nghi, ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để hỗ trợ tính ổn định và tăng trưởng của kinh tế vĩ mô và đi đúng hướng trong mục tiêu chống lãng phí của đất nước.

Một trong những giải pháp cụ thể hiệu quả, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng gợi ý tăng theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 5 năm, trong khoảng thời gian giữa hai lần tăng thuế cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được vấn đề cần tuyên truyền.

Thuốc lá lậu tăng phi mã sẽ càng làm Ngân sách Nhà nước bị thất thu, doanh nghiệp sản xuất chính thức phải chịu thiệt thòi và chịu áp lực cạnh tranh lớn từ thuốc lá lậu, người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Thuốc lá lậu tăng phi mã sẽ càng làm Ngân sách Nhà nước bị thất thu, doanh nghiệp sản xuất chính thức phải chịu thiệt thòi và chịu áp lực cạnh tranh lớn từ thuốc lá lậu, người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Khoảng cách thời gian như vậy sẽ tạo thuận lợi để tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của hai mặt hàng này cũng như giúp doanh nghiệp có thời gian để chuẩn bị và chuyển đổi. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đang đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 2% để kích cầu tiêu dùng. Do vậy, ông kiến nghị không nên tăng thuế sớm mà phải lùi lại sau năm 2026, và sau 5 năm tăng lần hai để đảm bảo đi theo hướng phục hồi kinh tế.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Hồ Lê Nghĩa cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng phương án thực hiện. Bởi việc tăng thuế đột ngột có thể gây bất ổn trong ngành, đặc biệt khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ thúc đẩy buôn lậu thuốc lá - vốn không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng.

Từ những phân tích trên cho thấy cần có sự đánh giá toàn diện về tăng thuế TTĐB nhằm tránh tăng sốc gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường và ngành thuốc lá. Bên cạnh đó cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá; có biện pháp chống buôn lậu hiệu quả và kết hợp nhiều biện pháp khác, như: giúp đỡ để bỏ thuốc lá; tăng cường cảnh báo về sự nguy hiểm của thuốc lá...

 

Chúng tôi cho rằng phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường

Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Hồ Lê Nghĩa