Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành vật liệu xây dựng khó chồng khó khi giá điện tăng

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh giá điện tăng 3%, nhưng doanh số bán ra các sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) cơ bản như: thép, xi măng, gạch... vẫn chưa có gì khởi sắc, khiến ngành có nguy cơ khó chồng khó và có thể phải tăng giá.

Giá điện tăng có thể sẽ kéo theo giá vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép tăng theo. Ảnh: Phạm Hùng
Giá điện tăng có thể sẽ kéo theo giá vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép tăng theo. Ảnh: Phạm Hùng

Xi măng, thép có thể tăng giá

Theo các chuyên gia nhận định, năm 2023 ngành VLXD cơ bản như: thép, xi măng, gạch... còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19; các công trình, dự án cũng chậm triển khai, thậm chí phải giãn/hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thuận lợi.

Bởi thế, không bất ngờ khi quý I/2023 với các DN trong ngành xi măng báo cáo tài chính với bức tranh kinh doanh ảm đạm. Với Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên đạt doanh thu 1,691 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ kỷ lục 86 tỷ đồng; hay với Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn đạt 875 tỷ đồng, giảm 26%, lỗ 47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 70 tỷ đồng...

Với việc chưa thể cải thiện biên lợi nhuận, song nhiều DN sản xuất xi măng nhận định, việc tăng giá điện 3% có thể tác động trực tiếp tới chi phí đầu vào, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các quý tiếp theo. Không ít DN lo ngại hệ lụy chi phí và giá thành nguyên vật liệu có thể tăng nóng trở lại, như vậy buộc phải điều chỉnh giá bán ra thị trường, một giải pháp được cho là "bất khả kháng".

Ông Lưu Đình Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên cho biết, trong năm nay sẽ chỉ tăng giá khi giá điện tăng để bù đắp vào phần chi phí điện tăng thêm. Nếu áp dụng giá điện mới, mỗi tháng phải chi tăng thêm hàng chục tỷ đồng tiền điện nên chủ trương của DN sẽ tăng giá bán để bù lỗ.

Tính riêng quý I/2023, lượng tiêu thụ xi măng Hà Tiên đã giảm 20%, còn thị trường Việt Nam đã giảm 25%, mức giảm của công ty thấp hơn mức giảm của thị trường trong nước. Sang tháng 4, nhu cầu xi măng xây dựng vẫn yếu, đây là hệ lụy tác động của dịch bệnh Covid-19 trong hơn 2 năm vừa qua, làm gia tăng lạm phát nên nhu cầu còn tiếp tục giảm.

Về tỷ trọng than chiếm trong giá thành sản xuất xi măng và trong điện đến năm 2022 và thời gian hiện nay thì clinker (riêng của năm 2022) bình quân là 56% do giá than tăng mạnh và giá than trong điện năm 2022 là 35%, còn trước kia chi ở khoảng 20 - 23%. Vì vậy, theo ông Cường, mức độ tác động của giá năng lượng lên giá thành rất lớn.

Trước đó, báo cáo cập nhật tác động giá điện tăng của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng bán đối với DN sản xuất thép. Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14 - 15% trên giá vốn hàng bán, trừ những DN lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng bán.

Với giả định chi phí điện tăng thêm nhưng DN không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, mức 3% làm tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành có thể giảm tối đa tương ứng là: ngành thép giảm 15%, xi măng giảm 13%. Tuy nhiên, nếu DN có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào.

Áp lực cho ngành xây dựng

Điện là yếu tố đầu vào cơ bản của các ngành sản xuất, khi tăng sẽ kéo theo giá thành các sản phẩm điều chỉnh nhằm bù đắp ảnh hưởng chi phí đầu vào. Nhưng trong thời điểm khó khăn hiện nay, đây sẽ là đòn giáng trực tiếp vào DN xây dựng, các nhà thầu.

Đại diện một DN xây dựng cho biết, nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư bị thu hẹp do môi trường tín dụng thắt chặt, khó khăn trong việc phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng thực hiện triển khai dự án. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, VLXD tăng dẫn đến chi phí của DN tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bốn Mùa Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ, tình hình thị trường bất động sản không mấy tích cực, thời gian gần đây DN cũng chưa có dự án mới để triển khai. Với việc giá điện tăng khiến các đơn vị sản xuất sẽ điều chỉnh theo, như vậy sẽ làm ngành xây dựng chật vật duy trì hoạt động.

"Tình trạng các DN xây dựng bị nợ đọng kéo dài từ chủ đầu tư, kéo theo khó khăn về tài chính; nhiều công trình sắp hoàn thành phải dừng thi công do nợ ngân hàng, không có tiền trả cho nhà cung cấp vật liệu... Chưa kể giá điện tăng kéo theo máy móc thi công trên công trường cũng sẽ thêm chi phí. Mặc dù 3% không lớn, đủ để DN và người dân thích nghi nhưng tôi lo ngại nhất là tác động gián tiếp khiến hàng hóa cơ bản phục vụ đời sống cho đến các dự án cũng sẽ tăng theo, thiết lập một mức giá mới" - ông Tuấn cho hay.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định, nghe điều chỉnh 3% thì "ghê gớm lắm" nhưng cũng chỉ tăng thêm bình quân 56 đồng/1 kWh. Việc giá điện tăng sẽ tác động lan tỏa đến các ngành nghề khác khoảng 0,18%. Trong đó, ngành sản xuất cần nhiều điện như thép thì tăng giá thành lên 0,18%; xi măng tăng lên 0,45%. Như vậy, có thể thấy mức độ tác động từ việc tăng giá điện không lớn. Đây cũng là tiền đề để kiểm soát lạm phát trong năm nay.

"Còn đối với người tiêu dùng cũng tăng ít. Bởi hiện nay điện sinh hoạt trên 25 triệu hộ. Bình quân 1 gia đình tiêu thụ 200 kWh/hộ/tháng. Như vậy, bình quân mỗi hộ gia đình trả thêm 12.000 đồng. Còn người sử dụng ít, khoảng 5 kWh/tháng chỉ tăng lên khoảng 2.500 đồng/tháng. Còn dùng nhiều thì trả thêm 35.000 đồng/tháng" - ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích.

 

Giải pháp quan trọng nhất là phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đồng thời phải sửa ngay biểu giá cố định qua bán lẻ điện theo hướng rút gọn. Ngoài việc cần có chính sách bình ổn giá, Nhà nước cũng cần nghiêm túc với việc công khai, minh bạch giá, tránh hiện tượng “té nước theo mưa”.
Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa