Ngành xây dựng bứt phá giữa thách thức
Kinhtedothi - Từ đầu năm 2025, ngành xây dựng Việt Nam ghi nhận sự phục hồi tích cực nhờ chính sách đầu tư công và cải cách thể chế. Tuy nhiên, nhiều DN trong lĩnh vực này vẫn đối mặt với bài toán thiếu vốn, tăng giá vật liệu và sức ép cạnh tranh.
Trở lại đường đua
Bức tranh ngành xây dựng đầu năm 2025 cho thấy xu hướng phục hồi rõ rệt, nhờ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối kế hoạch trung hạn 2021 – 2025 và các cải cách pháp lý liên quan đến đất đai, xây dựng, bất động sản. Đây được xem là lực đẩy quan trọng giúp nhiều DN lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn chững lại kéo dài từ cuối năm 2022 đến hết năm 2024.
Một số tên tuổi lớn trong ngành đã mạnh dạn công bố kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao. Sau giai đoạn khó khăn kéo dài 2023 – 2024, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, và lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, Hòa Bình đã huy động 3.470 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ, đồng thời tập trung vào tái cấu trúc tài chính và mở rộng thị trường quốc tế. Trong đó, mảng xây dựng dân dụng và công nghiệp tiếp tục là thế mạnh, nhưng đáng chú ý là định hướng đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra thị trường quốc tế như Malaysia, Ả Rập Saudi và Australia. Hòa Bình cũng đang đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, ứng dụng mô hình BIM và quản lý thi công theo công nghệ lean-construction nhằm giảm giá thành và nâng cao hiệu quả dự án.
Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với giá vật liệu xây dựng cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công trình. Ảnh: Hải Linh
Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON Phạm Việt Khoa cho biết, năm 2024 vừa qua doanh thu của công ty tăng 17% so với năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ 42 tỷ đồng của năm 2023. Tuy nhiên, sự tham gia của nhiều DN xây dựng trong và ngoài nước giữa lúc thị trường còn khan hiếm việc, tạo áp lực cạnh tranh lớn, đòi hỏi các công ty xây dựng phải nâng cao thực chất năng lực cạnh tranh và giảm sâu giá thành sản xuất. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu đầu vào leo thang theo nhu cầu cấp bách, gây áp lực lớn lên lợi nhuận và dòng tiền của các DN. "Năm 2024 công ty có tham gia thi công một số dự án dân dụng, giai đoạn vừa rồi tinh thần là lấy ngắn nuôi dài, cạnh tranh rất khốc liệt, trong khi công trình lại không cần thi công gì đặc biệt. Thời gian tới công ty sẽ thu hẹp các công trình dân dụng để tập trung vào các mảng ưu tiên là dự án ngầm đô thị, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, cảng biển lớn…" - ông Phạm Việt Khoa chia sẻ.
Đối với Vinaconex (Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam) đang từng bước hoàn thiện mô hình đầu tư đa ngành, tập trung vào ba mũi nhọn: xây dựng – bất động sản – đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP. Công ty hiện là một trong những đơn vị chủ lực thi công các dự án cao tốc như Hòa Bình – Mộc Châu, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, và đang hướng tới các dự án đầu tư dài hạn như hệ thống cấp nước, thoát nước, đô thị thông minh. Vinaconex cũng đã đầu tư phát triển nền tảng quản trị DN ERP mới, tích hợp dữ liệu tài chính – nhân sự – dự án nhằm tối ưu vận hành. Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2025 đạt 15.500 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước, và lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ đồng. Công ty tiếp tục mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính, với kỳ vọng mảng bất động sản và đầu tư tài chính sẽ đóng góp khoảng 70% lợi nhuận toàn hệ thống.
Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco4) tiếp tục phát huy vai trò nhà thầu chủ lực trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt tại các dự án trọng điểm quốc gia như: cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành (gói san lấp và hạ tầng kỹ thuật), và nhiều tuyến đường vành đai đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu tăng trưởng 15% doanh thu, trong đó kỳ vọng lớn từ các gói thầu đầu tư công giải ngân tăng tốc. Tập đoàn Cienco4 đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước, và lợi nhuận sau thuế vượt 200 tỷ đồng. Cienco4 tiếp tục tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và đang lên kế hoạch tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Nhiều thách thức chưa dễ tháo gỡ
Dù thị trường xây dựng có những tín hiệu phục hồi rõ rệt, các DN vẫn đang phải đối mặt với một loạt khó khăn kéo dài từ quý I sang đầu quý II/2025. Đặc biệt, việc giá vật liệu xây dựng tiếp tục neo cao, nhất là giá thép và xi măng, khiến nhiều nhà thầu gặp khó trong kiểm soát chi phí. Bên cạnh đó, hợp đồng mới giảm, dòng vốn tắc nghẽn, nhiều DN xây dựng buộc phải thay đổi tư duy vận hành, cơ cấu tài chính và chiến lược đầu tư để tồn tại và phát triển.
Trước bối cảnh các dự án lớn thường đòi hỏi năng lực kỹ thuật và tài chính cao, các chuyên gia cho rằng DN nên liên kết - liên doanh để chia sẻ nguồn lực và rủi ro. Việc hợp tác giữa nhà thầu chính cùng các DN vừa và nhỏ có thể tạo ra cấu trúc đấu thầu hiệu quả, tăng khả năng trúng thầu và tối ưu chi phí thi công. Trong dài hạn, ngành xây dựng Việt Nam cần chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ BIM (Building Information Modeling), công nghệ thi công tiền chế, phần mềm quản lý tiến độ và chi phí, nhằm tăng năng suất và kiểm soát chất lượng tốt hơn. Một số DN lớn như Coteccons, Hòa Bình, Fecon đã bắt đầu đầu tư mạnh vào hệ thống ERP, dữ liệu thi công tập trung và mô hình quản trị theo chuẩn quốc tế, giúp cắt giảm thời gian xử lý và hạn chế thất thoát chi phí.
Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng BQT Hà Nội Nguyễn Văn Hách nhìn nhận, phần lớn DN xây dựng hiện nay vẫn dựa vào mô hình “thầu thi công đơn thuần”, dễ bị động trước biến động giá vật tư và áp lực giá thấp từ chủ đầu tư. Giải pháp lâu dài là dịch chuyển sang vai trò tổng thầu tích hợp giải pháp bao gồm thiết kế, quản lý, vận hành, cung cấp vật liệu, ứng dụng công nghệ mới sẽ giúp kiểm soát toàn chuỗi giá trị, giảm phụ thuộc và tăng lợi nhuận. "Thay vì bị động mua vật liệu theo tiến độ từng công trình, DN nên xây dựng quỹ dự phòng vật tư chiến lược hoặc liên minh thu mua tập thể giữa các nhà thầu nhằm thương lượng được giá tốt, bảo đảm tiến độ, giảm rủi ro trượt giá. Một số DN như Delta, Phục Hưng Holdings, Ricons… đã bắt đầu dự trữ vật tư số lượng lớn từ đầu quý II để “khóa giá” với nhà cung ứng trong 3 – 6 tháng, giúp giảm áp lực trượt giá" - ông Nguyễn Văn Hách cho biết.
Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường trong nước co hẹp, một hướng đi tiềm năng là đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ xây dựng, đặc biệt sang các thị trường đang phát triển như Campuchia, Lào, Myanmar, châu Phi… nơi có nhu cầu hạ tầng cao nhưng thiếu lực lượng kỹ sư chuyên môn. Việc tham gia các dự án EPC (Engineering, Procurement, Construction) ở nước ngoài sẽ giúp DN đa dạng hóa doanh thu, giảm áp lực cạnh tranh nội địa và học hỏi quản trị quốc tế.
Trích dẫn
Theo nhận định từ Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thị trường xây dựng dân dụng được hỗ trợ tích cực khi thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất và dần bước vào chu kỳ mới. Với khung pháp lý dần phát huy hiệu quả, năng lực tài chính của DN được cải thiện và tâm lý người mua nhà có chuyển biến tích cực.

Xây dựng không gian mạng an toàn qua Cuộc thi "Sinh viên với Công ước Hà Nội"
Kinhtedothi - Cuộc thi "Sinh viên với Công ước Hà Nội" vừa được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phát động, nhằm lan tỏa tinh thần hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm mạng tới thế hệ trẻ, lực lượng nòng cốt cho tương lai an ninh số Việt Nam.

Huyện Sóc Sơn siết chặt vi phạm đất đai, trật tự xây dựng
Kinhtedothi - Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, thời gian qua, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo quyết liệt các xã, thị trấn tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm vi phạm đất đai, trật tự xây dựng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để phát sinh vi phạm nhưng không xử lý kiên quyết, dứt điểm, để tồn đọng kéo dài.

Đắk Nông chỉ đạo kiểm soát giá cát xây dựng tăng cao, khan hiếm
Kinhtedothi – Ngày 21/5, UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trước tình hình giá cát xây dựng tăng cao và khan hiếm trong thời gian qua qua, địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm soát giá và nguồn cung.