Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Về công tác cải cách thể chế, từ năm 2016 đến nay, Sở Y tế đã tham mưu UBND trình HĐND TP ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật; Sở Y tế trình UBND TP ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do TP ban hành liên quan tới quản lý ngành, phát hiện kịp thời những nội dung không còn phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ. Theo thống kê, đến hết tháng 7/2019, Sở Y tế đã kiến nghị UBND TP thay thế 7 văn bản quy phạm pháp luật.
Việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính được ngành thực hiện nghiêm túc. Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa và trên website Sở Y tế. Tại các đơn vị được Sở ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính, các thủ tục hành chính được niêm yết tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của đơn vị.
Sở Y tế luôn rà soát, thực hiện đơn giản hóa quy trình nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Từ 1/1/2015, đã giảm 50% thời gian cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám chữa bệnh; thời gian cấp chứng chỉ hành nghề từ 60 ngày giảm xuống còn 30 ngày; thời gian cấp giấy phép hoạt động từ 90 ngày giảm còn 45 ngày. Từ năm 2017, thời gian giải quyết với 4 thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm đã giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày/thủ tục. Từ 1/8/2018 triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, thời gian cấp chứng chỉ hành nghề tiếp tục giảm xuống còn 10 ngày. Về công bố thủ tục hành chính, từ năm 2016 đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã công bố 332 thủ tục hành chính, trong đó số thủ tục hành chính đã bị bãi bỏ là 122. Hiện tại toàn ngành còn 210 thủ tục hành chính.
Tinh gọn bộ máy quản lý
Sở Y tế cũng quyết liệt thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, văn phòng Sở Y tế đã giảm từ 8 phòng xuống còn 7 phòng; Chi cục Dân số - KHHGĐ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đều giảm từ 4 phòng xuống còn 3 phòng. Các đơn vị trong ngành được sắp xếp theo hướng sáp nhập những đơn vị có cùng chức năng để giảm đầu mối.
Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng Hà Nội được tổ chức lại trên cơ sở sáp nhập 8 đơn vị. Đến tháng 8/2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội được thành lập trên cơ sở kiện toàn lại TTYT Dự phòng, số khoa phòng giảm từ 26 xuống còn 16. Các đơn vị khác như Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội, BV Phụ sản Hà Nội, TTYT tuyến quận, huyện cũng sắp xếp lại các khoa, phòng theo hướng tinh gọn.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Để thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai các đề án đào tạo chuyên sâu, cử 498 cán bộ đi học về chuyên môn, 46 cán bộ học về lý luận chính trị... Theo đề xuất của các đơn vị, năm 2018, Sở cử 671 cán bộ, công chức, viên chức (6 tháng đầu năm 2019 là 171 người) dự thi các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu của đơn vị tuyến dưới. Sở cũng đã đào tạo được 72 bác sĩ nội trú trong Đề án Bác sĩ nội trú.
Trong 6 tháng năm 2019, có 18 cán bộ tham dự lớp đào tạo về quản lý y tế tại Cộng hòa Pháp; 20 cán bộ được bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý đối với cấp trưởng, phó phòng và tương đương.
Song song với nâng cao năng lực chuyên môn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế đã chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt các nội quy về quy tắc ứng xử tại nơi làm việc, tại nơi công cộng.
Hiện đại hóa nền hành chính
Ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ được thực hiện tại cơ quan Sở Y tế mà được toàn ngành y tế thực hiện. Tại các BV hạng I có phòng CNTT, BV hạng II, hạng III là tổ CNTT. Các đơn vị đã ứng dụng tối đa CNTT và tự động hóa trong quy trình khám chữa bệnh từ tiếp nhận, khám bệnh, quản lý người bệnh nằm viện, hồ sơ bệnh án, tiến tới bệnh án điện tử. Áp dụng phần mềm quản lý BV, trong đó khuyến khích phần mềm quản lý thông tin người bệnh, quản lý viện phí, dược, xét nghiệm, kê đơn thuốc và điều trị ngoại trú. Thực hiện áp dụng mã vạch, thẻ từ trong việc xác định người bệnh, không để nhầm lẫn, sai sót cũng như tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin về người bệnh giữa các khoa, phòng, bộ phận trong BV.
Sở cũng thí điểm áp dụng tại 2 BV Xanh Pôn và Đức Giang khám chữa bệnh và quản lý hồ sơ người bệnh bằng bệnh án điện tử, bảo đảm liên thông, đồng bộ cơ sở dữ liệu giữa các khoa, phòng đến tận máy tính của từng y, bác sĩ để có thể truy cập thông tin người bệnh nhanh nhất.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục thực hiện tốt Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội cũng như có những giải pháp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác cải cách thủ tục hành chính trong toàn ngành.