Mặc dù gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường khả năng phòng, chống dịch, đặc biệt là đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Nỗ lực xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
15 năm qua kể từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, ngành Y tế Thủ đô đã và đang nỗ lực xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB); năng lực hệ thống y tế dự phòng tuyến y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe Nhân dân.
Huy động các nguồn lực xã hội xây dựng mạng lưới cơ sở KCB chất lượng cao, hiện đại; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ y dược của tư nhân, đầu tư nước ngoài… Điều đó, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế, mang lại những lợi ích thiết thực trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Sau khi mở rộng thế giới hành chính, Hà Nội có 579 trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn. Hiện có 100% TYT có bác sĩ công tác tại trạm. Trong đó, 86,3% TYT có bác sĩ biên chế tại trạm, các trạm chưa có bác sĩ biên chế tại trạm thì có bác sĩ tăng cường từ trung tâm y tế và BV huyện.
Có 516/579 TYT xã, phường, thị trấn; 2 nhà hộ sinh, 54 phòng khám đa khoa đã thực hiện KCB BHYT. Tuyến y tế bao phủ rộng khắp đã và đang phát huy vai trò trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cũng như trong phòng dịch bệnh, giảm tải cho tuyến trên.
Để phát huy hiệu quả của tuyến y tế cơ sở, hiện ngành Y tế Thủ đô đang tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là trong triển khai quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã; đảm bảo vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh...
Thời gian qua, việc triển khai đăng ký khám trực tuyến từng bước khẳng định công tác chuyển đổi số tại các bệnh viện (BV). Trong đó, BV tuyến huyện đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin (CNTT), giúp người dân không phải xếp hàng, không phải chờ đợi lâu, tiết kiệm thời gian, công sức khi đến khám, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Là BV hạng 2 trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, những năm qua, BV Đa khoa huyện Ba Vì đã triển khai mạnh mẽ công tác tin học hóa, ứng dụng phần mềm quản lý BV trong công tác KCB.
Việc chú trọng ứng dụng CNTT tại BV nhằm đảm bảo việc tiếp đón người bệnh thuận tiện, chẩn đoán bệnh theo ICD (phân loại quốc tế về bệnh tật), chỉ định cận lâm sàng, kê đơn thuốc trên phần mềm, liên thông với nhà thuốc BV, đảm bảo việc kết xuất dữ liệu đầu ra, đẩy dữ liệu chính xác và thuận tiện.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, BV đã khám cho hơn 120.000 lượt bệnh nhân. Tổng số điều trị ngoại trú là hơn 18.000 lượt người bệnh; số bệnh nhân điều trị nội trú là gần 10.000 lượt.
Đặc biệt, thời gian qua, BV chú trọng triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó để hạn chế chuyển tuyến điều trị cho bệnh nhân như: Phẫu thuật thay khớp háng; phẫu thuật khớp gối; phẫu thuật lấy sỏi, tán sỏi niệu quản nội soi...
Đồng thời, đơn vị phẫu thuật cấp cứu nhiều ca bệnh nặng, phức tạp khác đem lại sự sống cho người bệnh; làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại BV.
Tận dụng cơ hội, tạo diện mạo mới
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30/NQ-CP tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, lãnh đạo các BV của Hà Nội cho rằng, những quy định mới này đã cấp cứu kịp thời, tháo gỡ vướng mắc đơn vị đang gặp phải trong mua sắm, đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế, có nhiều xét nghiệm chuyên sâu và đặc thù.
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho biết, trước khi có Nghị quyết 30 và Nghị định 07, BV đã họp bàn, rà soát rất kỹ, tất cả nội dung đúng thủ tục, các văn bản cũ mà đủ, (như đủ báo giá), BV vẫn tiến hành đấu thầu bình thường để đảm bảo hóa chất, vật tư điều trị cho bệnh nhân.
Đến nay, Nghị quyết 30 và Nghị định 07 ra đời đã giúp BV gỡ rất nhiều vấn đề để BV có thể xây dựng các gói thầu.
Có thể thấy, 15 năm qua, ngành Y tế Hà Nội đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến thông qua phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” (NTVT).
Từ năm 2009 đến nay, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) của ngành Y tế Thủ đô đạt danh hiệu NTVT cấp ngành có hơn 11.500 cá nhân, 228 cá nhân được công nhận danh hiệu NTVT cấp TP, 7 cá nhân được UBND TP tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm cho biết, những năm qua, Công đoàn ngành luôn chủ động phối hợp với Sở Y tế hoạt động các phong trào thi đua yêu nước trong CBCCVCNLĐ.
Phong trào thi đua NTVT đã thúc đẩy vai trò và sức mạnh của người đứng đầu, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi CBCCVCNLĐ toàn ngành trong công cuộc nâng cao chất lượng KCB cho Nhân dân Thủ đô.
Điển hình như các phong trào thi đua “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh gắn với xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp đã khơi dậy được tinh thần tận tụy, sáng tạo của đội ngũ bác sĩ, nhân viên của ngành y tế.
Những khó khăn, thách thức còn nhiều, song cán bộ, nhân viên y tế Thủ đô tin tưởng rằng, chặng đường sau 15 năm hợp nhất, khởi sắc sẽ tạo đà cho y tế Thủ đô nâng cao chất lượng KCB trong những năm tiếp theo.
TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trong công tác tổ chức, ngành Y tế Thủ đô thường xuyên đổi mới những nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức phong trào thi đua theo hướng thiết thực, trọng tâm, hiệu quả, hướng về cơ sở.
Ngành đã bám sát những nhiệm vụ chính trị được giao, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong việc tổ chức phong trào thi đua, tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, thống nhất.
Từ những thành tích điển hình của ngành Y tế trong thời gian qua, có thể thấy, việc mở rộng địa giới hành chính vừa đảm bảo không gian cho Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như trong tương lai lâu dài vừa tạo điều kiện cho Y tế Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm đa chức năng.
Ngành Y tế Hà Nội hôm nay đã khác rất nhiều so với 15 năm trước. Tuy nhiên, với vị trí là Thủ đô, đòi hỏi ngành mũi nhọn này cần có sự cố gắng nỗ lực hơn nữa xứng đáng với tầm phát triển của Thủ đô.
Với sự quan tâm đặc biệt của TP trong 15 năm qua, ngành Y tế Hà Nội cho rằng, đây là cơ hội thuận lợi để trong thời gian gần nhất, ngành sẽ có một diện mạo mới và những công trình bệnh viện thông minh, hiện đại phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô. Thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, nhất là có chính sách khuyến khích cán bộ y tế có trình độ cao về công tác tại khu vực khó khăn.
Hiện nay, công tác KCB của ngành y tế Hà Nội được triển khai tại 2 khối cơ sở y tế công lập (41 BV) và ngoài công lập (3.953 cơ sở KCB). Số liệu KCB tại các đơn vị có xu hướng tăng qua các năm. Hiện nay, tổng số giường bệnh của Hà Nội đạt 22.796 giường, tương ứng với tỷ lệ 27,5 giường bệnh/vạn dân. Mục tiêu đến năm 2025, TP đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân.