Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày 30 Tết: Nguồn cung hàng hóa dồi dào

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/1/2022 (tức 29 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), tại các chợ truyền thống, siêu thị đã diễn ra phiên mua bán cuối cùng của năm Tân Sửu trước khi bước sang năm mới Nhâm Dần. Giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.

Thực phẩm, rau xanh giá ổn định

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại các chợ truyền thống như Kim Liên, Khương Thượng (Đống Đa), Thành Công (Ba Đình)... ngày 29 Tết cho thấy, giá bán hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống không có hiện tượng tăng đột biến.

Cụ thể, đối với mặt hàng thịt lợn, giá gần như không có nhiều biến động, thậm chí còn giảm so với cùng kỳ năm trước. Hiện giá thịt lợn tại các chợ dân sinh dao động trong khoảng 110.000 - 160.000 đồng/kg tùy từng loại.

Tương tự, giá bán thịt bò cũng giữ ổn định, hiện thịt thăn bò có giá 280.000 - 290.000 đồng/kg, bắp bò 350.000 - 360.000 đồng/kg, các loại thịt diềm, dẻ sườn có giá từ 240.000 - 250.000 đồng/kg, lõi bò 550.000-560.000 đồng, thịt mông 250.000-260.000 đồng/kg. Gà ta nguyên lông 140.000 - 150.000 đồng/kg, gà lễ đêm 30 Tết 170.00-175.000 đồng/kg. Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến như giò, bánh chưng ổn định so với ngày thường. Hiện giò lụa 150.000 - 180.000 đồng/kg, giò xào 180.000-220.000 đồng/kg giò bò 230.000 - 250.000 đồng/kg, giò bê 300.000-320.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng mua thực phẩm sáng 29 Tết (31/1) tại chợ Kim Liên (Đống Đa)
Người tiêu dùng mua thực phẩm sáng 29 Tết (31/1) tại chợ Kim Liên (Đống Đa)

Thực tế cho thấy, những ngày này mặt hàng rau xanh không tăng mạnh, hiện bắp cải 12.000 - 15.000 đồng/kg, su hào 5.000 - 6.000 đồng/củ, đậu Hà Lan 250.000-270.000 đồng/kg, cà rốt 15.000-17.000 đồng/kg, cà chua 25.000-27.000 đồng/kg, rau cải cúc, rau cần 6000-10.000 đồng/mớ, cần tỏi tây 40.000-42.000 đồng/kg, súp lơ xanh 18.000- 20.000 đồng/cây...

Các tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Kim Liên cho biết, thời tiết nhưng ngày trước Tết Nguyên đán nắng ấm nên rau sinh trưởng, phát triển mạnh. Bên cạnh đó phần lớn diện tích rau ăn lá ở các địa phương đã đến thời kỳ thu hoạch. Nguồn cung dồi dào khiến giá rau giảm là quy luật chung của thị trường. Dự kiến từ nay đến Rằm tháng Giêng diện tích rau vụ Đông ở các địa phương mới bước vào thu hoạch rộ sẽ khiến giá rau tiếp tục giảm.

Trong khi đó, mặt hàng trái cây bày mâm ngũ quả lại tăng giá mạnh. Bà Nguyễn Thị Liên ở phố Trần Hữu Tước (Đống Đa) cho hay, những ngày gần Tết mặt hàng hoa quả tăng gấp đôi so với vài ba hôm trước. Hiện táo xanh 160.000 đồng/kg, trước đó 75.000 đồng/kg, xoài trước có 55.000 đồng/kg nay 80.000 đồng/kg, na Đài Loan trồng tại Việt Nam trước 75.000 đồng/kg nay 120.000 đồng/kg, cau tươi cũng 15.000-20.000 đồng/quả, giá roi đỏ ở mức 40.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg, cam Canh 70.000- 90.000 đồng/kg… Riêng quả phật thủ tùy thuộc kích cỡ và tay ôm quả có giá từ 150.000- 300.000 đồng/quả.

Các tiểu thương kinh doanh trái cây cho biết, dịch Covid-19 và xăng dầu tăng giá khiến cước phí vận chuyển tăng vì vậy giá hoa quả nhích lên là điều không tránh khỏi. Đặc biệt, do dịch bệnh Covid-19 nhiều cửa hàng chỉ nhập hàng cầm chừng cũng khiến giá bán mặt hàng tăng. 

Tuy nhiên mặt hàng cau tươi, chuối xanh giá bán giảm mạnh, cụ thể cau tươi giảm từ 20.000 đồng/quả xuống còn 10.000-12.000 đồng/quả, chuối xanh bầy mâm ngũ quả giảm từ 100.000 đồng/nải xuống còn 30.000-35.000 đồng/nải.

Ngày 30 Tết: Nguồn cung hàng hóa dồi dào - Ảnh 1Người tiêu dùng mua hoa quả tại siêu thị Big C Thăng Long sáng 29 Tết (31/1/2022)

Các loại hoa tươi cũng được bày bán nhiều với mức giá tương đương năm ngoái. Giá hoa cúc ở mức 5.000-8000 đồng/bông, hoa violet ở mức 30.000 đồng/bó, hoa ly 100.000 đồng/bó 20 bông; hoa lay ơn 120.000 - 200.000 đồng/chục, hoa hồng 10.000 - 12.000 đồng/bông. Riêng mặt hàng đào, quất do sắp bước sang năm mới Nhâm Dân 2022 nên giá bán cũng giảm 40 - 50% so với những ngày trước đó nhưng sức tiêu thụ không tăng như mong muốn. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 khiến thu nhập của người tiêu dùng giảm sút nên người tiêu dùng hạn chế mua sắm những mặt hàng không thiết yếu.

Đảm bảo nguồn cung tăng thời gian phục vụ

Để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với các DN triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trị giá 39.000 tỷ đồng. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, các DN bán lẻ đã chủ động dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ 2 tháng trước Tết. Các mặt hàng DN tăng cường dự trữ gồm, gạo, thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi tăng 7 - 15% so với Tết 2021. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hàng hoá trên thị trường trong ngày 28 - 29 Tết Nhâm Dần nguồn cung khá phong phú, các siêu thị tổ chức chương trình khuyến mại nên giá cả hàng hoá không tăng nhiều so với ngày thường.

Ngày 30 Tết: Nguồn cung hàng hóa dồi dào - Ảnh 2Người tiêu dùng mua thực phẩm tại Big C Thăng Long sáng 29 Tết (31/1/2022)

Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như: Aeon Mall, Coopmart, LotteMart, BigC, WinMart, Hapro…đã tăng thời gian phục vụ. Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, hệ thống siêu thị Hapro Mart mở cửa phục vụ muộn nhất đến 18 giờ ngày 29 Tết và mở cửa trở lại từ mùng 3 Tết, riêng hệ thống siêu thị Hapromart tại huyện Gia Lâm mở cửa trở lại phục vụ người tiêu dùng từ ngày 4 Tết. Giám đốc điều hành chuỗi Big C và Go! miền Bắc (Tập đoàn Central Retail Việt Nam) Lê Mạnh Phong  chia sẻ, năm nay người dân mua sắm Tết muộn nên từ 27 Tết đến nay sức mua tăng tới 300%, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) mở cửa đến 23 giờ ngày 29 Tết, nghỉ ngày mùng 1 Tết. Đến 8 giờ sáng mùng 2 Tết, siêu thị mở cửa trở lại, hoạt động bình thường.

Tương tự hệ thống siêu thị siêu thị Co.opmart Hà Nội mở cửa ngày mùng 4 Tết, từ ngày mùng 6 Tết mở cửa hoạt động bình thường. Giám đốc vận hành WinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cho biết, hệ thống siêu thị WinMart và WinMart+ cũng sẽ mở cửa hoạt động trở lại từ ngày mùng 4 Tết. Đặc biệt, hệ thống siêu thị Aeon trên toàn quốc sẽ mở cửa hoạt động xuyên Tết, giữ truyền thống mở cửa 365 ngày để phục vụ khách hàng, từ 7 - 20 giờ hằng ngày. Từ mùng 2 Tết, các siêu thị Aeon tại Hà Nội hoạt động bình thường, mở cửa từ 8 -22 giờ. Cùng với Aeon, toàn bộ các cửa hàng siêu thị của Circle K cũng phục vụ xuyên Tết cho khách hàng, bao gồm cả đêm giao thừa.