Theo đó, HOSE đã đưa phần mềm của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) do CTCP FPT cung cấp (giải pháp xử lý sự cố giao dịch) vào vận hành chính thức. Hệ thống mới đặt mục tiêu năng lực 3-5 triệu lệnh/ngày và bỏ cơ chế phân bổ lệnh. Hệ thống cũ của HOSE có công suất thiết kế 900 ngàn lệnh/phiên và được phân bổ đều cho các công ty chứng khoán, do đó khi số lệnh vào hệ thống vượt quá công suất sẽ dẫn tới tình trạng nghẽn lệnh.
|
Hệ thống HOSE mới đưa vào hoạt động sáng nay vẫn có trục trặc nhỏ. Hình ảnh này cho thấy số liệu cổ phiếu khớp lệnh và giá trị của VN-Index chưa được cập nhật kịp thời. |
Về cơ bản, quy chế mới do HOSE ban hành sẽ không có nhiều thay đổi so với quy chế giao dịch được áp dụng trước. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF được quy định là 7% so với giá tham chiếu.
Biên độ dao động giá đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF trong ngày giao dịch đầu tiên là 20% so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên.
Đối với trường hợp trả cổ tức/thưởng bằng cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu, biên độ dao động giá của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng trong ngày giao dịch không hưởng quyền là 20% so với giá tham chiếu. Trường hợp chào bán cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu thì sẽ không thực hiện điều chỉnh biên độ dao động giá vào ngày giao dịch không hưởng quyền.
Đơn vị giao dịch lô chẵn đối với giao dịch khớp lệnh là 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền. Mỗi lệnh giao dịch lô chẵn không được vượt quá khối lượng tối đa là 500,000 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền.
HOSE quy định về việc sửa, hủy lệnh đối với giao dịch khớp lệnh, như sau: Trong trường hợp cần thiết, HOSE có quyền yêu cầu công ty chứng khoán thành viên tạm ngừng việc sửa, huỷ lệnh trong thời gian khớp lệnh liên tục sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Hoạt động chưa thông suốt, VN-Index lại mất điểmTheo một số nhà đầu tư giao dịch trong phiên sáng nay nhận xét chung, hệ thống mới của HOSE đưa vào vận hành đều thông suốt, không diễn ra tình trạng nghẽn lệnh như trước đây.
Tuy nhiên, theo dõi trên bảng điện tử trong phiên sáng nay, vẫn còn những trục trặc vẫn xuất hiện. Đó là tình trạng diễn biến chỉ số VN-Index và khối lượng giao dịch không được cập nhật kịp thời trên bảng điện tử của SSI, bảng giá của VNDirect lỗi ngay khi mở cửa … Trên bảng giá điện tử của một số công ty chứng khoán, mã FPT không hiện thị giá dự khớp khoảng 1 giờ giao dịch.
Bỏ qua một số lỗi, việc vận hành hệ thống mới trên HOSE được nhà đầu tư chờ đợi. Chị Hoàng Hằng chia sẻ: "Là một nhà đầu tư, tôi thấy việc đặt lệnh trên hệ thống mới của HOSE nhanh chóng, chính xác, không bị trượt lệnh, ngừng lệnh như thời gian trước". Còn một nhà đầu tư khác, ông Nguyễn Văn Nam thì cho hay: Sáng nay, giao dịch trên hệ thống mới không thấy có hiện tượng nghẽn lệnh như trước đây. Sàn điện tử giao dịch cũng nhảy số khớp với diễn biến trên thị trường, do đó nhà đầu tư nắm bắt kịp thời diễn biến giá của cổ phiếu để có quyết định đầu tư chính xác.
|
Thị trường giảm điểm mạnh. |
Về cuối phiên, hệ thống giao dịch thông suốt hơn, các nhịp khớp lệnh được cập nhật nhanh, chính xác hớn so với đầu phiên.
Điều đáng quan tâm nhất của nhà đầu tư trong phiên sáng nay là, sau khi mở cửa lực bán tăng mạnh, khiến chỉ số VN-Index chỉ chớm xanh đầu phiên, sau đó lao mạnh xuống sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu VN30 có lúc chỉ có 4 mã tăng giá như: TCB, TPB, FPT, MWG. Cuối phiên có thêm PNJ và STB tăng điểm nhẹ. Trên HOSE thường xuyên duy trì trên 300 cổ phiếu giảm giá.
Nhóm tăng giá có TCB tăng 3,5% lên 56.200 đồng/CP; MWG tăng 5,2% lên 164.900 đồng/CP; TPB tăng 1,9% lên 38.450 đồng/CP; FPT tăng 0,7% lên 92.500 đồng/CP; PNJ và STB cùng atwng 0,3%.
Nhóm VN30 gây áp lực mạnh lên chỉ số đó là: VCB, NVL, SSI, VRE, SBT, REE, MWG, MSN, POW đều giảm trên 2%; còn BID, CTG, BVH, HPG, GAS, MBB, VIC, VJC, TCH, VNM giảm từ 1,1 đến 1,9%. VHM cũng giảm 0,8%; chỉ có VPB giảm nhẹ 0,1%.
Thanh khoản tốt nhất nhóm có TCB khớp lệnh cao nhất thị trường vượt trội so với mọi khi với 28,5 triệu đơn vị; STB khớp 23,89 triệu đơn vị; HPG khớp 21,7 triệu đơn vị; VPB về đứng tham chiếu khớp 13,88 triệu đơn vị; MBB khớp 15,8 triệu đơn vị; CTG khớp 10,7 triệu đơn vị; SSI khớp 11,9 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa trên HOSE sáng nay cũng bị phân hoá. Khá nhiều mã chìm trong sắc đỏ, nhưng không ít mã tăng điểm hỗ trợ chỉ số không giảm sâu. Cụ thể, FRT, TGG, AGM vẫn tăng giá trần. Một số mã tăng tốt như: TLH, NTL, BCE, NCG, TVS, TMS… tăng từ trên 2% đến trên 5%.
Ngược lại, khá nhiều mã giảm sâu như FLC, VIS, ABS, AMD, ANV, BFC, CDC, KBC, ROS, SCR, TTF giảm từ trên 2% đến trên 6%. Còn DAH vẫn nối dài phiên giảm giá sàn.
Trong đó, FLC khớp trên 15 triệu đơn vị, KBC khớp trên 7,8 triệu đơn vị; ROS khớp trên 11,9 triệu đơn vị; SCR khớp gần 6 triệu đơn vị; TTF khớp trên 5,7 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng 5/7, sàn HOSE có 74 mã tăng và 302 mã giảm, VN-Index giảm 16,7 điểm tương đương giảm 1,18%, xuống 1.403,57 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 430,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 14.704,7 tỷ đồng, tăng 10,3% về khối lượng và tăng gần 3% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.
Vẫn cần theo dõiĐánh giá về hệ thống giao dịch mới, Công ty chứng khoán Tân Việt cho rằng, VN-Index vẫn kỳ vọng tiếp tục tăng giá khi hệ thống mới đưa vào hoạt động. Dự báo thị trường tăng điểm trong trung hạn và dài hạn. Các phiên tăng giảm vẫn sẽ đan xen, VN-Index sẽ có các nhịp chỉnh ngắn trong phiên giao dịch hôm nay. Dự báo, ngắn hạn VN-Index sẽ tăng dần lên vùng kháng cự mới quanh 1.438-1.445 điểm dưới động thái tích cực của toàn bộ nhóm ngành.
Theo VPS, hệ thống giao dịch mới với công suất lớn hơn chắc chắn sẽ giải tỏa lo lắng nghẽn lệnh và tạo điều kiện cho thanh khoản cao hơn. Nếu không có diễn biến gì bất ngờ, với xu hướng tăng của chỉ số VN-Index ở thời điểm hiện tại trước các kỳ vọng cao vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, kết hợp với các yếu tố hỗ trợ về mặt kỹ thuật như việc hệ thống giao dịch mới được triển khai, margin quay lại, thì dòng tiền sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, kéo theo diễn biến phục hồi dần của thanh khoản tiệm cận mức cao kỷ lục đầu tháng 6.
Tuy nhiên, để vượt được mức thanh khoản đầu tháng 6 vẫn là khá khó khăn. Thực tế, việc thanh khoản tăng gần đây đến từ sự trở lại của dòng tiền tham gia trong giai đoạn trước. Do đó, thanh khoản chỉ có thể duy trì trong khoảng 28.000 – 30.000 tỷ đồng, tương đương giai đoạn đầu tháng 6.
Áp lực bán gia tăng vào đầu phiên chiều thứ 6 cuối tuần trước đã khiến thị trường có thời điểm chuyển sang sắc đỏ, tuy nhiên lực nâng đỡ tốt từ các cổ phiếu ngành bán lẻ, chứng khoán và ngân hàng đã giúp VN-Index đóng cửa chinh phục thành công mốc kháng cự tâm lý 1.420 điểm.
VPS nhận định: Thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, rủi ro ngắn hạn ở mức thấp và có thể chỉ xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ. Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi giao dịch trong tuần này khi hệ thống mới của HOSE đưa vào vận hành. Từ đó có thể xác định xu hướng tiếp theo của thị trường.