Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Giá trị cốt lõi đang thay đổi?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các giá trị cốt lõi của gia đình đương đại, sự biến đổi cũng như thách thức mà các...

Kinhtedothi - Các giá trị cốt lõi của gia đình đương đại, sự biến đổi cũng như thách thức mà các gia đình đang đối mặt là chủ đề được thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm “Các giá trị cốt lõi và thách thức của các loại hình gia đình đương đại Việt Nam” diễn ra sáng 25/6 tại Hà Nội.

Nhiều người duy trì cái “vỏ” gia đình

Từ góc nhìn chính sách, nghiên cứu và truyền thông, bà Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu văn hóa nhấn mạnh sự ổn định, toàn vẹn của gia đình với đầy đủ cha mẹ, con cái. Chính trong giá trị truyền thống về sự toàn vẹn gia đình, xuất hiện những quan niệm mang tính định kiến về các gia đình thuộc các loại hình khác (gia đình đơn thân, gia đình ly hôn, gia đình không con, gia đình cùng giới). Để tránh những định kiến này, nhiều người đã duy trì cái “vỏ” của gia đình, trong khi những giá trị cốt lõi như tình yêu thương và sự tôn trọng không được quan tâm đúng mức, hoặc thậm chí không còn tồn tại và từ đây nhiều thách thức của gia đình Việt xuất hiện. “Các diễn ngôn về gia đình dường như đang quan tâm đến hình thức theo khuôn mẫu của gia đình hơn là cốt lõi thực sự làm nên hạnh phúc gia đình. Mục tiêu “hạnh phúc”, “tổ ấm” trong việc xây dựng gia đình khá trừu tượng, thiếu chỉ số để đo lường. Và định kiến với các kiểu gia đình phi truyền thống dẫn đến nhiều gia đình chỉ tồn tại cái “vỏ”” - bà Phương kết luận.
Để có một gia đình hạnh phúc cần có sự chung tay của các thành viên.        Ảnh: Chiến Công
Để có một gia đình hạnh phúc cần có sự chung tay của các thành viên. Ảnh: Chiến Công
Kết quả khảo sát nhanh trên 1.000 người của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) vừa thực hiện cho thấy, gia đình Việt đang đối mặt với một số vấn đề xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình (27,5%), ngoại tình (16%), nợ quá khả năng chi trả (9,9%) và các vấn đề khác. Tỷ lệ nữ có cảm nhận “không bình yên”, “không thỏa mãn” với một số khía cạnh trong đời sống gia đình cao hơn nam đáng kể. Trong khi đó, khuôn mẫu “đàn ông là trụ cột gia đình” hay “cha là nóc nhà” vẫn phổ biến, một mặt dẫn đến định kiến với các gia đình đơn thân, mặt khác dẫn đến những áp lực đối với nam giới. Với kết quả khảo sát trên, bà Phạm Thanh Trà - Viện iSEE cho rằng, trong khi những quan điểm truyền thống gia đình phải có bố mẹ vẫn chiếm ưu thế thì đã bắt đầu xuất hiện một số quan điểm mới và hình thành một số giá trị mới của gia đình. Bên cạnh tình yêu thương thì tự do cá nhân, sự riêng tư, sự trung thực đã là những giá trị mới đã có nhiều người lựa chọn.

Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình

Những thay đổi trong quan điểm về loại hình và giá trị gia đình thể hiện qua một tỷ lệ không nhỏ ủng hộ gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài (49%) và gia đình đồng tính (19%). Tỷ lệ khá cao người được hỏi có quan điểm trung lập với loại hình gia đình đơn thân do ly hôn, đơn thân do không kết hôn, sống chung không kết hôn hoặc gia đình không có con cũng cho thấy độ cởi mở nhất định với những loại hình gia đình này. Xu hướng dân TP ủng hộ các loại hình gia đình phi truyền thống cao hơn so với nông thôn. Thông tin về định hướng phát triển gia đình, ông Khoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL cho biết, hiện nay loại hình gia đình phong phú (2, 3 thế hệ) nhưng gia đình hạt nhân vẫn chiếm ưu thế (các vợ chồng trẻ sau khi kết hôn nhanh chóng tách khỏi gia đình lớn để hình thành gia đình nhỏ). Bởi họ muốn được tự do yêu thương và không bị tác động bởi cha mẹ bên vợ hay bên chồng. Và trong tương lai chức năng gia đình truyền thống sẽ theo xu hướng thỏa mãn nhu cầu tâm lý tình cảm thay vì sinh con đẻ cái. Điều này khẳng định giá trị cốt lõi đầu tiên của gia đình là tự do và yêu thương.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia về gia đình tỏ rõ sự lo ngại khi một số giá trị cốt lõi trong gia đình truyền thống đang thay đổi. Bà Nguyễn Hồng Mai - giảng viên dạy về văn hóa và gia đình, Đại học Văn hóa Hà Nội lo lắng khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đang có sự hoán đổi theo hướng đề cao quyền của trẻ, còn cha mẹ phải có trách nhiệm. Vấn đề ngoại tình cũng xảy ra trong xã hội hiện đại. Theo bà Mai, sở dĩ có tình trạng này là do họ đang đi tìm cái thiếu trong gia đình của họ. Khi giá trị cốt lõi trong gia đình không còn, người ta sẽ đi tìm sự yêu thương bên ngoài. Một lý do của tình trạng này là thời gian mọi người dành cho gia đình quá ít. Lại cũng có những ý kiến khác tỏ rõ sự băn khoăn về trào lưu làm mẹ đơn thân của nhiều cô gái trẻ. Điều này phản ánh hiện thực những phụ nữ ấy đã có trải nghiệm nhất định, họ thấy thất vọng trong hôn nhân. Cũng có ý kiến đề nghị có sự quan tâm hơn đến hôn nhân của người đồng tính. Và trước khi kết hôn mọi người cần phải có chứng chỉ tiền hôn nhân để có những ứng xử phù hợp, bình đẳng trong cuộc sống...

Tuy nhiên, các chuyên gia thống nhất, cho dù có bất cứ loại hình gia đình nào tồn tại trong xã hội thì ở đó vẫn phải hướng đến giá trị cốt lõi nhất đó là tình yêu thương, cảm thông chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần