Nghệ An: GRDP đứng thứ 2 Bắc Trung Bộ, top 10 thu hút FDI cả nước

Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/10, UBND tỉnh Nghệ An họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng, nhiệm vụ giải pháp 3 tháng cuối năm 2022.

Theo thông tin được công bố tại họp báo, trong 9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh Nghệ An ước tăng 9,23%, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 4,3%; công nghiệp và xây dựng ước đạt 10,52%; dịch vụ ước đạt 11,53%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 5,7%.

Toàn cảnh họp báo
Toàn cảnh họp báo

Thu ngân sách ước đạt 15.730 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 14.617 tỷ đồng, tăng 21%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.112 tỷ đồng, bằng 79 3% so với cùng ký 2021. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định.

Trong 9 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận thị xã Hoàng Mai hoàn thành nhiệm vụ Nông thôn mới (NTM), huyện Quỳnh Lưu đạt chuẩn NTM. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An có 299/411 xã đạt NTM, 20 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), hiện trên địa bàn đã có 249 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2021.

Đồng thời, lĩnh vực thu hút đầu tư cũng đạt kết quả tích cực. Trong 9 tháng tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 83 dự án và điều chỉnh 83 lượt dự án. Tổng vốn đăng ký các dự án cấp mới và điều chỉnh đạt 32.058,9 tỷ đồng, tăng 41,22% so với cùng kỳ 2021..

Trong 9 tháng năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Nghệ An được lọt vào top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước, với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm 605,42 triệu USD. 

Bên cạnh đó, trong 9 tháng đã thành lập mới 2.330 doanh nghiệp, tăng 26,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký 17.212 tỷ đồng; 713 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại.

Tính đến 30/9, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân đạt 33,94%; nếu không tính các khoản chưa phân bổ chi tiết đã giải ngân đạt 41,68%, trong đó nguồn ngân sách trung ương đã đạt 45,52%.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm, nhất là kiểm soát hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, ước tính trong 9 tháng, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 40.954 người; Hoàn thành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; Giải ngân 100% kinh phí theo chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho 3.021 người lao động trên địa bàn; Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tư an toàn xã hội được bảo đảm.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần