70 năm giải phóng Thủ đô

Nghệ An: kiểm soát và đảm bảo an toàn giao thông qua các cầu tràn

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước diễn biến mưa lớn kéo dài, nhiều địa phương nước lũ dâng cao gây ngập úng, sạt lở một số cầu tràn, đường và nhà dân, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động ứng phó.

Kiểm soát chặt các cầu cống, ngập nước

Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm và mưa lớn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Nghệ An (Ban chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS Nghệ An) vừa ban hành văn bản số 218/VP-PCTT, về việc triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn trong những ngày tới.

Trong đó, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung phòng chống mưa lũ, chủ động các phương án, chủ động và kịp thời xử lý các sự cố về mưa lũ tại địa trương.

Thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở địa bàn Nghệ An ngập nước sâu, sạt lở phải tạm dừng lưu thông.
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở địa bàn Nghệ An ngập nước sâu, sạt lở phải tạm dừng lưu thông.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để khơi thông dòng chảy. Chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công.

Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.

Nhiều hồ thủy điện tăng lưu lượng xả

Trước diễn biến mưa lớn, lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn, để bảo đảm an toàn hồ chứa và phòng chống bão lũ, nhiều hồ chữa thủy điện thông báo tăng lưu lượng xả.

Cụ thể, nhà máy thủy điện Khe Bố dự kiến vận hành điều tiết tăng lưu lượng xả, thời gian dự kiến tăng lưu lượng hồ chứa qua khoang đập tràn vào lúc 20 giờ 40 phút, ngày 20/9. Lưu lượng xả từ khoảng 2.000 m3/s đến 2.800 m3/s (xả qua các tổ máy và qua khoang đập tràn) và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ. Thời gian kết thúc xả nước qua đập tràn cho đến khi lưu lượng nước về hồ nhỏ hơn lưu lượng phát điện qua các tổ máy.

Nhiều hồ chứa thủy điện thông báo tăng lưu lượng xả trước diến biến mưa lớn. 
Nhiều hồ chứa thủy điện thông báo tăng lưu lượng xả trước diến biến mưa lớn. 

Trước đó, ngày 19/9, hồ chứa thủy điện Châu Thắng tăng lưu lượng xả, thời gian dự kiến tăng lưu lượng xả 12 giờ 30 phút ngày 19/9. Tổng lưu lượng xả từ 450m3/s - 1.200m3/s (Bao gồm lưu lượng xả qua cửa van và lưu lượng phát điện qua các tổ máy) và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ. Thời gian kết thúc xả đến khi hết ảnh hưởng của đợt mưa lớn gây nên.