Nhận diện hành vi thủ đoạn
Nghệ An là một địa phương có diện tích rộng nhất cả nước, địa bàn khá hiểm trở trong việc đi lại đặc biệt là các huyện miền núi, biên giới. Có đường biên giới dài hơn 419km, giáp với ba tỉnh nước bạn Lào gồm Xiêng Khoảng, BôLiKhămXay và Hùa Phăn. Có 27 xã thuộc 6 huyện giáp biên, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.
Tỉnh Nghệ An có 5 dân tộc thiểu số chính, gồm: người Thái, người Thổ, người Khơ Mú, người Mông, người Ơ Đu.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 8 vụ, 17 đối tượng về tội mua bán người. Một số vụ việc nổi cộm mới đây nhất như, tháng 5/2024, Công an huyện Tương Dương phá chuyên án về mua bán người, bắt giữ 3 đối tượng, trong đó 1 đối tượng trú tại huyện Tương Dương, 2 đối tượng còn lại trú tại huyện Kỳ Sơn, chuyên án này đã giải cứu thành công 3 cháu bé.
Ngày 30/7, Công an Nghệ An phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng trú tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) về hành vi mua bán người.
Theo các cơ quan chức năng, phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng đó là lợi dụng sự quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận các nạn nhân. Sau đó dụ dỗ, hứa hẹn các nạn nhân sẽ tìm cho công việc nhẹ nhàng nhưng cho thu nhập cao. Công khai ngã giá, rủ rê các nạn nhân về việc lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống sung túc, nhàn hạ.
Lừa dối các nạn nhân tham gia xuất khẩu lao động sang Lào, Campuchia với mức thu nhập hậu hĩnh nhưng thực tế bán cho các đầu nậu ở nước ngoài, bắt ép các nạn nhân phục vụ tại các tụ điểm chuyên lừa đảo thông qua không gian mạng...
Loại tội phạm này hoạt động cũng khá kín kẽ, hết sức tinh vi, chủ yếu giao dịch với các nạn nhân thông qua facebook, zalo, telegram...Do đó các cơ quan chức năng khó phát hiện kịp thời và tiếp cận xử lý sớm...
Tập trung đợt cao điểm đấu tranh
Trước diễn biến tình hình của loại tội phạm mua bán người xảy ra tại địa phương, nhằm tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả đối với công tác phòng chống, xử lý kịp thời các vụ việc mua bán người, đồng thời thực hiện hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người”. Tỉnh Nghệ An tiếp tục yêu cầu các đơn vị chức năng, địa phương tăng cường, thường xuyên, liên tuc và chủ động trong công tác phòng chống mua bán người.
Xác định công tác phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng Sở, ngành, địa phương.
Đồng thời, triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh (từ nay đến hết ngày 30/9/2024), với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.
Giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình phòng, chống mua bán người tại địa bàn trọng điểm...
Chỉ đạo triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh. Xác lập, điều tra, triệt phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người. Tổ chức rà soát các trường hợp xuất cảnh sang nước ngoài làm việc, nhất là Trung Quốc, Lào, Campuchia...
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phối hợp với lực lượng Công an các cấp làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài ở khu vực biên giới. Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển. Quản lý cửa khẩu, cảng biển, kiểm soát xuất, nhập cảnh; ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép...
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật của Lào, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền. Tích cực trao đổi, cung cấp thông tin với lực lượng Công an các cấp về phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm... Sở LĐTB&XH tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các hoạt động giới thiệu việc làm, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam...
Thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân, nhất là đối với nạn nhân là trẻ em. Thường xuyên theo dõi, cập nhật đầy đủ tình hình việc làm của người lao động vào phần mềm quản lý lao động để theo dõi, quản lý. Thông tin kịp thời cho người dân nắm, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo, các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá nhân hoạt động tuyển dụng trên mạng không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tổ chức nhập cảnh Campuchia, Lào qua đường tiểu ngạch...