Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ An:hệ sinh thái đặc biệt rừng lim Tháp Lĩnh và kỳ vọng về du lịch

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khu rừng nguyên sinh hơn 18 ha chủ yếu là cây gỗ lim hàng trăm năm tuổi tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) lâu nay được xem như “báu vật”...

Video rừng lim Tháp Lĩnh đặc dụng, nguyên sinh hàng trăm năm tuổi tại xã Hậu Thành.

Rừng lim Tháp Lĩnh

Là một trong những khu rừng nguyên sinh khá nổi bật trong hệ thống sinh thái rừng tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, rừng lim tại xã Hậu Thành với diện tích hơn 18 ha và đặc biệt ở chỗ toàn cây lim cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.

Nói về rừng lim Tháp Lĩnh, xóm Thọ Trà, xã Hậu Thành không ai còn nhớ  gốc tích khởi sinh của khu rừng nguyên sinh này. Nhưng từ đời này sang đời khác, người dân nơi đây đã bảo vệ khu rừng để cho đến bây giờ vẫn có thể tồn tại những cây lim lớn hai người ôm.

Rừng lim cổ thụ, nguyên sinh hàng trăm năm tuổi tại xã Hậu Thành được biết đến như "báu vật vô giá của làng".
Rừng lim cổ thụ, nguyên sinh hàng trăm năm tuổi tại xã Hậu Thành được biết đến như "báu vật vô giá của làng".

Trong suy nghĩ của nhiều người dân thập phương khi được đến đây trải nghiệm, tham quan, có rất nhiều điều thắc mắc. Bởi ngay giữa vùng đồng bằng giáp trung du, giữa một ngọn đồi lại mọc lên chi chít cây gỗ quý, vậy mà qua bao đời, rừng lim vẫn không bị khai thác, cây không bị chặt phá.

Theo dòng suy nghĩ đó, phóng viên đã tìm hiểu và được biết: Từ trong tiềm thức người dân nơi đây, từ đời cha ông đến nay, đều có chung một suy nghĩ, họ xem rừng lim như “báu vật trời cho” và cứ thế bảo nhau bảo vệ nghiêm ngặt với ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng. 

Ông Lại Xuân Ngân (SN 1961, xóm Thọ Trà, xã Hậu Thành), một trong những người gắn bó chặt chẽ với cánh rừng này cho biết, từ năm 1986, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông đã bắt đầu được chính quyền, người dân cắt cử làm bảo vệ cho rừng lim Tháp Lĩnh.

Trải qua hàng chục năm gắn bó, cánh rừng như một điều gì đó hết sức đặc biệt, gần gũi với ông Ngân, từ năm nay qua năm khác, ông Ngân cứ thế “ăn ngủ” dưới cánh rừng nguyên sinh đặc biệt này, cùng Nhân dân địa phương giữ rừng một cách trọn vẹn.

Theo chân ông Ngân, phóng viên khám phá khu rừng lim đặc biệt này, càng đi sâu vào rừng, càng hiểu rõ hơn vì sao người dân xem rừng lim là báu vật. Những cây lim cổ thụ, nhỏ thì một người ôm không hết, lớn thì phải hơn hai người ôm mới xuể.

Những cây lim cổ thụ mọc xen kẽ nhau với khoảng cách như có sự tính toán trước, để chúng đủ không gian vươn lên cao rồi thả những tán rộng, xanh mướt, khiến cả khu rừng như tấm vải xanh mềm mại.

Với hơn 18 ha, rừng lim này tồn tại hàng trăm năm nhờ sự bảo vệ của cả chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương, tạo nên khu rừng già đặc biệt, gắn bó với đời sống người dân. 
Với hơn 18 ha, rừng lim này tồn tại hàng trăm năm nhờ sự bảo vệ của cả chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương, tạo nên khu rừng già đặc biệt, gắn bó với đời sống người dân. 

Khu rừng lim với độ dốc ko lớn, do có sự khoanh nuôi, bảo vệ từ chính quyền, đơn vị quản lý, người dân nên dưới tán rừng già này, hệ sinh thái thảm thực vật nhỏ rất ít. Người dân thường xuyên phát xẻ để bảo đảm phòng cháy chữa cháy. Ngoài lim, ở khu rừng này còn có những cây gỗ quý khác như trai, gụ, dạ hương...

Mong mỏi trở thành điểm đến sinh thái, tâm linh đặc biệt

Dưới tán rừng lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi, xanh ngút ấy có một ngôi đền được người dân địa phương kể lại nhiều giai thoại, đang là một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân nơi đây. Đó là Đền Cả, đến nay, do ngôi đền vẫn nằm trong khu vực rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh nên chính quyền địa phương cũng mới chỉ có đề xuất quy hoạch để phục dựng, hoàn thiện ngôi đền.

Theo Chủ tịch UBND xã Hậu Thành Nguyễn Hồng Chính thì ngôi Đền Cả này có tuổi đời song hành với đình Mõ, tại làng Đức Hậu. Đây là di tích lịch sử quốc gia, thờ phụng thần Cao Sơn, Cao Các, Thượng tướng quân Phan Ngọc Đệ, Thần khai khẩn Nguyễn Hữu Chỉ và các vị anh hùng có công với đất nước.

Đình được xây dựng từ năm 1675, dưới thời vua Lê Gia Tông, lúc đầu chỉ là một ngôi nhà tranh 3 gian. Năm 1884, đình được bà con Nhân dân xã Hậu Thành cùng nhau tôn tạo, xây dựng thành 3 tòa nhà bằng gỗ lớn hiện hữu tới nay.

Ngôi Đền Cả nằm trong rừng lim Tháp Lĩnh, từ bao đời là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương.
Ngôi Đền Cả nằm trong rừng lim Tháp Lĩnh, từ bao đời là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương.

Đình Mõ, rừng lim cổ thụ, Đền Cả trở thành một trong những tua tuyến du lịch khi du khách đặt chân đến huyện Yên Thành để tham quan, trải nghiệm. Về với Hậu Thành, du khách sẽ hòa mình vào cánh rừng già cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được trải nghiệm văn hóa tâm linh với di tích quốc gia trong khung cảnh hết sức đặc biệt.

Cũng bởi tiềm năng này, xã Hậu Thành từ lâu đã đưa Đền Cả dưới tán rừng lim quý hiếm vào quy hoạch xã, để mong một ngày nào đó nơi đây sẽ hiện hữu, tái hiện lại một ngôi đền hàng trăm năm tuổi, linh thiêng dưới rừng lim già, và trở thành một trong những điểm đến tham quan, du lịch sinh thái, tâm linh để không chỉ cánh rừng nguyên sinh mà cả mảnh đất gắn liền với nhiều di tích lịch sử, cách mạng này này bén duyên với ngành du lịch, góp phần phát triển kinh tế cho người dân, cho địa phương.

“Trăn trở nhiều và mong mỏi nhiều, khi đứng trước tiềm năng, tiềm lực như vậy liệu có nên có những đột phá, vừa bảo đảm giữ được hệ sinh thái nhưng lại góp phần tạo ra kinh tế hơn nữa. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ hình thành một địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái ngay trên chính những tiềm lực sẵn có hết sức giá trị ở địa phương.

Đền cả nay đã được phục dựng 1 phần, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc biệt dưới cánh rừng lim nguyên sinh già nua. 
Đền cả nay đã được phục dựng 1 phần, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc biệt dưới cánh rừng lim nguyên sinh già nua. 

Tuy nhiên hiện Đền Cả đang nằm trong rừng đặc dụng, do đó để hình thành, hiện hữu lại ngôi đền hàng trăm năm tuổi ấy phải quy hoạch khoảng 6000 mét vuông như hiện hữu khuôn viên ngôi đền đang có, tách ra khỏi diện tích đất rừng nguyên sinh, đặc dụng là rừng lim. Việc này cũng đã có những đề cập, và hi vọng rằng tương lai gần sẽ được cơ quan thẩm quyền có những xem xét, đánh giá để thực hiện bài bản...”, ông Chính bày tỏ.