Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề Kim hoàn năm 2023 (diễn ra từ ngày 22/4 đến 7/5), ngày 25/4, quận Hoàn Kiếm tổ chức tọa đàm “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội”.

Tham gia tọa đàm có Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long và các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân kim hoàn...

Tọa đàm “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội”
Tọa đàm “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội”

Đứng trước nguy cơ mai một

Nghề kim hoàn là một trong những nghề truyền thống lâu đời của Thăng Long - Hà Nội, do người làng Châu Khê (Hải Dương) lên Thăng Long lập nghiệp, tạo phố Hàng Bạc từ thế kỷ XVI. Trải qua 5 thế kỷ, đến nay, phố Hàng Bạc vẫn luôn là trung tâm buôn bán vàng bạc lớn của Thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội còn có nghề đậu bạc gắn với làng Định Công (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai) và một số làng nghề kim hoàn, kim khí nổi tiếng khác như: Nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Tây Hồ), nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm)…

Song, do quá trình đô thị hóa cùng sự thay đổi của thị trường, hiện nay, đa phần làng nghề kim hoàn ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sản phẩm làng nghề không đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Làng nghề đậu bạc Định Công, đúc đồng Ngũ Xã hiện chỉ còn rất ít, thậm chí còn duy nhất 1 hộ giữ nghề, hoặc đã chuyển cơ sở sản xuất ra ngoại thành. Phố Hàng Bạc hiện chủ yếu là nơi kinh doanh sản phẩm kim hoàn, số hộ gia đình tham gia sản xuất ngày càng hạn chế...

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long phát biểu khai mạc
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long phát biểu khai mạc

Những tri thức dân gian và nghề kim hoàn đứng trước nguy cơ mai một. Bên cạnh đó, làng nghề, phố nghề còn phải đối mặt với các vấn đề về cạnh tranh quốc tế.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long cho rằng, khu phố cổ Hà Nội có vị trí đặc biệt trong khu vực trung tâm nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội, gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long - Đông Đô- Hà Nội. Trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng luôn coi trọng và xác định việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm không chỉ của chính quyền mà vai trò đóng góp của cộng đồng là vô cùng quan trọng

Đề án “Nghiên cứu tổ chức Lễ hội truyền thống trong khu Phố cổ Hà Nội và khu vực Hồ Hoàn Kiếm” đã được quận Hoàn Kiếm triển khai trong nhiều năm qua, thu hút được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình và trách nhiệm của người dân Hoàn Kiếm nói riêng và cả cộng đồng nói chung.

Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội - Ảnh 1
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân kim hoàn...
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân kim hoàn...

Khôi phục các giá trị văn hóa phải đi liền với phát triển kinh tế

Trong khuôn khổ Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề Kim Hoàn năm 2023, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tọa đàm: “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội” với mong muốn được nghe các ý kiến đóng góp, các kiến nghị và giải pháp của các đại biểu tham dự nhằm kết nối các làng nghề, phố nghề giữa các nghệ nhân và thợ thủ công của nghề kim hoàn xây dựng đình Kim Ngân và phố nghề Hàng Bạc trở thành một phố nghề có tính tiêu biểu của khu phố cổ Hà Nội và là một điểm đến góp phần phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch".

Tại tọa đàm, các nhà khoa học, nghệ nhân đã khẳng định giá trị của nghề kim hoàn trong dòng chảy văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Đặc biệt, nhiều chuyên gia đã cho ý kiến về vấn đề phát triển nghề kim hoàn trong xu thế xã hội hiện nay, trong thích ứng với yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa đối với lĩnh vực thủ công, mỹ nghệ như: Gắn kết di sản nghề kim hoàn với đào tạo về thiết kế, trang sức trong trường đại học; phát triển nghề kim hoàn cộng hưởng với nghề gốm sứ, đúc đồng; gắn kết làng nghề, phố nghề; thành lập bảo tàng về nghề truyền thống trong phố cổ.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành phố Hà Nội Vũ Mạnh Hải cho rằng, người thợ kim hoàn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, công sức làm nghề chưa được trả thù lao thỏa đáng, chưa khuyến khích được thế hệ kế cận đi theo nghề. Qua đó, những tri thức dân gian và nghề kim hoàn đứng trước nguy cơ mai một.

Hơn nữa, làng nghề, phố nghề còn phải đối mặt với các vấn đề về cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, để nghề kim hoàn trường tồn và phát triển theo thời gian, thì nghề kim hoàn cần có những đổi mới thích nghi nhanh với những thay đổi của thị trường thời kinh tế 4.0.

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phát biểu
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phát biểu

Theo Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành phố Hà Nội, để bảo tồn và phát triển nghề kim hoàn trong xu thế xã hội hiện nay, cần phải tạo nên những sản phẩm vừa truyền thống lại vừa hiện đại, phù hợp với thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho các sản phẩm kim hoàn và cải thiện đời sống cho các nghệ nhân, thợ giỏi nhằm lan tỏa, duy trì và phát triển nghề.

Cùng với đó, cần có sự phối hợp của các trường Mỹ thuật, có những khóa đào tạo bài bản, động viên, khuyến khích những người trẻ tiếp cận nghề tinh hoa này. Từ đó, tạo ra những sản phẩm kim hoàn đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội, không chỉ là trang sức, hay đồ dùng gia đình mà còn trở thành quà tặng biểu trưng của thành phố Hà Nội, quà lưu niệm cho du khách gần xa. Có như vậy, mới duy trì và phát triển nghề, để ngành kim hoàn tiếp tục có cơ hội đóng góp tích cực cho văn hóa, di sản Hà Nội.

Quang cảnh tọa đàm
Quang cảnh tọa đàm

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cũng cho biết, quá trình khôi phục phố nghề kim hoàn được thực hiện gắn với sự vận động phát triển chung của nền kinh tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố của quận Hoàn Kiếm một cách bền vững. Khôi phục các giá trị văn hóa phải đi liền với phát triển kinh tế, đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần của người dân trên tuyến phố.