Duyên nợ với đơn ca tài tử
Ông Hai Đức chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên tại quê hương có truyền thống đờn ca tài tử nên từ nhỏ ông đã yêu thích và đam mê bộ môn nghệ thuật này. Đến năm 13 tuổi, ông được học những trích đoạn cải lương đầu tiên từ ba và ông nội ông truyền dạy.
"Ba ôi mua tặng tôi cây đàn sến với mong mỏi nếu không thành danh thì cũng tìm được cho mình một sở trường. Hiểu ý ba, sau đó, tôi đi tầm sư học đạo. May mắn, tôi được học từ những danh cầm ở miền Tây như thầy Hai Duyên, danh sư Sáu Hóa."- ông Hai Đức kể.
Với niềm đam mê cải lương, năm 17 tuổi, ông Hai Đức đã xin gia đình theo đoàn gánh hát để được học hỏi nhiều hơn. "Tôi theo các đoàn cải lương thường đi tàu đến các nơi biểu diễn. Ban đầu, tôi phải làm các việc lặt vặt trong đoàn, đi tỉnh này qua tỉnh khác. Từ từ, mới được đóng các vai phụ như quân sĩ, dân thường… Cứ thế, tôi đã theo gần 20 đoàn cải lương như: Kim Chung, Thủ Đô…", - ông Hai Đức kể về những năm tháng gian khó gắn bó với đam mê.
Sáng chế đàn sến độc đáo
Chơi được nhiều nhạc cụ nhưng cây đờn sến vẫn luôn theo ông Hai Đức trong suốt thăng trầm cuộc sống. Sau nhiều năm gắn bó, đến năm 1990, ông Hai Đức thấy cần cho cây sến thêm dây để nhịp vui thêm giòn, để nhịp buồn thêm lắng.
Ông Hai Đức giải thích rằng: "Cây đàn sến truyền thống chỉ có 2 dây, 12 phím. 2 dây tượng trưng cho "trời" và "đất". Tôi làm đàn sến 3 dây tức là thêm yếu tố "người" với sự xúc cảm, yêu thương. Cây đàn sến 3 dây sẽ tượng trưng cho tam tài, tức trời - con người - đất; con người đứng giữa, được trời đất che chở.
Việc cải tiến, “khéo” ở chỗ thêm được chữ “tì” kết âm song thinh với dây số 1, vừa trợ âm, hay những lúc xuống “xàng”, thêm dây thứ 3 sẽ làm lắng nhịp. "
"Với tôi, cây sến lại nhẫn nại như người chia sẻ, nhấn gằn những khi buồn giận, trải lòng như “kể thêm” cho người phong trần những lúc tri âm." - ông Hai Đức chia sẻ.
Đàn sến 3 dây được nghệ nhân Hai Đức biểu diễn khắp các sân khấu cải lương, lễ hội, các cuộc liên hoan đờn ca tài tử và cả những lúc cuộc sống khó khăn phải chạy sô ở các quán xá, nhà hàng.
Đặc biệt, nhiều năm qua, ông còn cộng tác với giảng viên Trường Đại học Cần Thơ để giới thiệu đờn ca tài tử cho học viên nước ngoài. Ông góp phần giúp các học viên, nghiên cứu sinh nước ngoài hoàn thành luận án với những đề tài về âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Với những cống hiến sâu rộng với nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ nhân Hai Đức vừa đón niềm vui khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.