Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghị định 21/2021/NĐ-CP: Khắc phục nhiều bất cập về xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 15/4/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2021.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá Nghị định 21 là văn bản có ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, liên quan đến công tác nghiệp vụ về tín dụng, giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm. Trước đây các tổ chức tín dụng áp dụng Nghị định 163/2006/CP-NĐ về giao dịch bảo đảm và Nghị định 11/2012/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi Nghị định 163. Năm 2015, Bộ luật dân sự được ban hành mới và hoạt động giao dịch bảo đảm vẫn được thực hiện theo Nghị định cũ. Việc này dẫn đến nhiều bất cập, vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Do đó, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành văn bản mới thay thế Nghị định 163 cho phù hợp với thực tiễn.
 Nghị định 21 được đánh giá có ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng
Quá trình xây dựng Nghị định 21, cơ quan soạn thảo đã lắng nghe, xem xét và tổng hợp ý kiến các tổ chức tín dụng, cơ bản các vấn đề vướng mắc được các ngân hàng nêu lên đã được giải quyết. Nghị định bao gồm 5 chương, 62 điều, quy định rất sát với hoạt động tín dụng, giao dịch tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm… của các ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, hàm Vụ phó Vụ pháp luật Văn phòng Chính phủ đánh giá, Nghị định 21 tuy chưa thỏa mãn hết các vấn đề mà thực tiễn nêu ra nhưng đã cố gắng tiếp thu hết mức để quy định phù hợp với hoạt động về giao dịch bảo đảm. Trong thời gian tới, chúng ta có thể tính tới việc xây dựng một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn chẳng hạn Luật về giao dịch bảo đảm, khi đó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề toàn diện hơn.
Với vấn đề về tài sản bảo đảm, Nghị định 21 quy định cơ chế pháp lý xác định, mô tả tài sản bảo đảm, cơ chế pháp lý giải quyết việc đầu tư vào tài sản bảo đảm, cơ chế pháp lý giải quyết biến động về tài sản bảo đảm. Trong đó, Nghị định quy định nguyên tắc xác định tài sản bảo đảm là tài sản không bị cấm mua bán, không cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu đều có thể đưa vào làm tài sản bảo đảm. Một số loại tài sản phát sinh vướng mắc trong thực tiễn đã được đưa vào quy định trong Nghị định như quy định về tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng. Theo đó, tài sản thuộc sở hữu của chủ thể quyền bề mặt được dùng làm tài sản bảo đảm, hoa tức, lợi tức hoặc tài sản khác có được từ việc khai thác sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được dùng để bảo đảm.
Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, Nghị định 21 không có quy định về thu giữ tài sản bảo đảm do hạn chế văn bản mức Nghị định. Tuy nhiên, để tháo gỡ vướng mắc, Nghị định đã quy định khi xử lý tài sản bảo đảm, chỉ cần thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.
Trường hợp bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản không giao thì bên nhận bảo đảm có quyền xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản bảo đảm, để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.