Không lo các con tăng cân
Thưa ông, có không ít phụ huynh than phiền việc con bị tăng cân sau nhiều tuần ở nhà. Là bác sĩ dinh dưỡng, theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó?
- Trước hết, các cháu tăng cân là do lượng calo, thực phẩm ăn vào vượt quá nhu cầu hàng ngày. Ở nhà, môi trường hoạt động của các cháu bị thu hẹp so với ở trường; trong khi đó năng lượng nạp vào nhiều hơn, tiêu hao năng lượng không hết dẫn đến tăng cân. Khi các cháu ngồi trong lớp học chăm chú nghe thầy cô giảng bài cũng tiêu tốn năng lượng hơn ở nhà.
Giờ ra chơi, hoạt động ngoại khóa, đi lại từ nhà đến trường và từ trường về nhà cũng tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Thứ nữa, đối với các cháu học bán trú, khẩu phần ăn ở trường đảm bảo dinh dưỡng, ổn định về số bữa và giờ ăn. Còn ở nhà, các cháu ăn nhiều bữa, hay ăn vặt, nạp vào người nhiều năng lượng, calo hơn dẫn đến tăng cân.
Để cải thiện tình hình, trong thời gian HS tiếp tục nghỉ học, cần thực hiện chế độ ăn uống thế nào?
- Theo tôi, phụ huynh HS cảnh giác với việc ăn uống của các con. Có hai điều cần lưu ý, một là nếu phòng dịch thì chúng ta không sợ tăng cân (sau này hết dịch sẽ điều chỉnh). Thứ hai, ăn uống đủ chất gồm đạm, béo, đường, bột, vitamin và chất khoáng, đặc biệt chú ý đến chất đạm và vitamin để tăng sức đề kháng, tăng cường miễn dịch.
Theo đó, để tăng cường vitamin và khoáng chất, phụ huynh cho các con ăn nhiều rau tươi, trái cây tươi ít ngọt; ăn thịt nạc, cá nạc, tôm, trứng (ăn nhiều lòng trắng), sữa tách bơ (sữa ít béo) để tăng chất đạm.
Các cha mẹ hạn chế cho con ăn mỡ động vật (lợn, bò, trâu) vì có nhiều axit béo no; không nên ăn nhiều gà, vịt, ngan, ngỗng vì cũng có mỡ; hạn chế các món xào, rán có nhiều calo, năng lượng gây béo. Phụ huynh không nên cho con ăn nhiều chất đường, bột, các loại quà có giá trị dinh dưỡng kém như bim bim, đồ uống có ga, nước ngọt.
Ăn nhiều chất đạm, rau quả xanh
HS ở nhà cần duy trì bữa ăn thế nào, thưa bác sĩ?
- Thường thì ở nhà các cháu không thực hiện các bữa ăn nghiêm túc như ở trường do buổi sáng thức dậy muộn, lại hay ăn vặt. Tôi lưu ý, các bố mẹ không nên đáp ứng yêu cầu của con thích gì ăn nấy. Phụ huynh cho con ăn thành bữa, hạn chế đồ ăn vặt không có giá trị nhiều về dinh dưỡng nhưng lại nạp nhiều calo, năng lượng vào cơ thể mà chúng ta không kiểm soát được.
Với những cháu chưa thừa cân, béo phì, phụ huynh cũng không nên cho ăn thoải mái, nhất là đồ ăn vặt; mà thực hiện nghiêm túc 3 bữa ăn chính. Các cháu đang còi cho ăn bình thường. Bố mẹ không vì đợt này nghỉ mà cho con ăn nhiều lên; chú trọng ăn nhiều thứ có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Nghĩa là ăn nhiều chất đạm, vitamin (thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa tách bơ), rau tươi, hoa quả tươi để cung cấp chất xơ, khoáng.
Nhiều cháu rất thích đồ uống có ga, nước ngọt?
- Bản chất của đồ uống có ga, nước ngọt chỉ là CO2 để kích thích thần kinh, tạo ra sự sảng khoái. Trong thành phần nước có ga chủ yếu là đường, calo rỗng không có lợi cho dinh dưỡng phát triển của trẻ. Vì thế, các cháu không nên uống nhiều.
Tôi thấy có những phụ huynh cho con uống sữa thay cho uống nước, về việc này thì: Sữa tươi nguyên chất chưa tách bơ, chưa giảm béo là tốt cho các cháu bé. Nhưng, những cháu thừa cân béo phì không nên uống loại sữa này vì nó là một trong những yếu tố có thể gây béo. Những cháu muốn giảm béo, hãy dùng sữa đã tách bơ.
Bác sĩ có lời khuyên gì đối với phụ huynh khi chế biến món ăn trong mùa dịch bệnh?
- Khi dịch bệnh đang xảy ra, phụ huynh chế biến món ăn tăng cường chất đạm, rau xanh, quả xanh, quả chín tươi. Hạn chế ăn những món nhiều dầu mỡ, chế biến cầu kỳ (xào, rán, nướng); nên ăn các món đơn giản, hợp khẩu vị.
Khi các cháu ở nhà, ngoài thời gian học trực tuyến, làm bài tập, rất cần được chơi, hoạt động thể lực như vận động chân tay, đạp xe trong khu dân cư, chơi xích đu. Trường hợp ở khu nhà mình không có chỗ vui chơi, phụ huynh cho con luyện tập các động tác thể dục ở trong nhà, thay vì xem tivi, sử dụng điện thoại để chơi game hay tò mò xem các trang web cấm sẽ không có lợi.
Xin cảm ơn ông!