Nghi kỵ cầm đồ thuốc độc ở Quảng Ngãi: Nỗi ám ảnh chưa có hồi kết

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hủ tục nghi kỵ cầm đồ thuốc độc như bóng ma, vẫn len lỏi trong một số cộng đồng dân cư ở vùng cao (Quảng Ngãi), gây ra không ít vụ việc đau lòng.

Kẻ chết, người tù tội

Nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" là hủ tục lạc hậu, tồn tại bao đời nay ở các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi. Các nạn nhân bị nghi ngờ có “đồ độc” sẽ bị đánh, sát hại hoặc phải trốn vào rừng sâu sinh sống. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chia rẽ, bất an trong một số cộng đồng dân cư của đồng bào dân tộc ở vùng núi Quảng Ngãi.

Người bị nghi kỵ có đồ độc thường bị cộng đồng xa lánh, thậm chí đánh đập, sát hại.
Người bị nghi kỵ có đồ độc thường bị cộng đồng xa lánh, thậm chí đánh đập, sát hại.

Gần 20 năm trước, hai vợ chồng bà Phạm Thị Nở (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) phải bỏ trốn vào rừng sâu sinh sống vì bị nghi kỵ cầm đồ thuốc độc. 

"Con gà, con vịt trong làng chết cũng đổ thừa. Người nào đau, bị cảm cũng đổ thừa. Vợ chồng tôi bị đánh đập miết, đánh gãy tay, gãy lưng nên phải trốn vào rừng chứ ở đâu được nữa"- bà Phạm Thị Nở, nạn nhân hủ tục cho hay.

Theo quan niệm của người đồng bào, “đồ độc” gồm các tạp vật, khi muốn hại người khác thì dùng “đồ độc” đụng vào người hoặc đem chôn gần bị hại và nguyền rủa. Những năm trước đây, trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Ngãi xảy ra nhiều vụ nghi cầm đồ thuốc độc dẫn đến nhiều người chết oan uổng.

Trở về gia đình sau thời gian chấp hành án phạt tù về tội giết người, ông Phạm Văn Chính (xã Ba Lế, huyện Ba Tơ) còn nhiều ám ảnh, day dứt về những gì đã xảy ra.

“Trước đây, nghi kỵ một nguời cầm đồ thuốc độc nên tôi đã cùng một số người trong làng giết chết người đó. Tôi bị xử tù nhưng cải tạo tốt nên được về trước thời hạn. Bây giờ sợ lắm rồi, không còn nghi việc có đồ độc hại chết người nữa”- ông Chính nói.

 Vụ án do hủ tục "nghi kỵ cầm đồ thuốc độc" xảy ra ở thôn Làng Tốt xã Ba Lế, huyện Ba Tơ).
 Vụ án do hủ tục "nghi kỵ cầm đồ thuốc độc" xảy ra ở thôn Làng Tốt xã Ba Lế, huyện Ba Tơ).

Năm 2019, do nghi ông Phạm Văn Lối (thôn Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ) cầm đồ thuốc độc, Phạm Văn Soi cùng Phạm Văn Cua và Phạm Văn Nghề đều ở thôn Làng Tốt đã sát hại ông Lối rồi bỏ xác trên sông Liên.

Đến nay, cả Phạm Văn Soi, Phạm Văn Cua và Phạm Văn Nghề vẫn còn đang thi hành án tù giam. Người chết, kẻ đi tù là hậu quả đầy ám ảnh của vụ án đau lòng do hủ tục nghi kỵ cầm đồ thuốc độc gây ra.

Xóa dần hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới

Theo chính quyền địa phương các huyện miền núi Quảng Ngãi, những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an và nhiều tổ chức, đoàn thể, số vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc giảm so với trước. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được xóa bỏ triệt để.

Thấy ông Hồ Văn Quang (tổ 2, thôn Bắc Dương, xã Trà Tây, huyện Trà Bồng) thường đi về khuya khoắt, Hồ Văn Thêm ở cùng làng sinh lòng ngờ vực. Đầu tháng 11/2022, trong một lần uống rượu, Thêm chỉ vào mặt ông Quang và cho rằng ông Quang có "đồ độc". Thông tin này nhanh chóng lan truyền trong thôn, kể từ đó ông Quang bị mọi người xa lánh, hắt hủi.

“Tôi làm nghề thầy cúng. Hàng ngày thường xuyên đi cúng nên có lúc hay đi về đêm. Không hiểu sao anh Thêm và mọi người xa lánh tôi”- ông Quang u uất.

Không bị “đồn thổi” như Hồ Văn Quang, trường hợp của Hồ Văn Vũ (cũng tại thôn Bắc Nguyên, xã Trà Tây) lại là tự cho mình có “đồ độc”. Vũ nghiện rượu, quần áo xốc xếch, hay khiêu khích người khác, thậm chí trong làng có người chết thì Vũ cũng cho rằng do có xích mích với anh. Gia đình Vũ dần bị người làng cô lập, "tránh như tránh tà". Cuộc sống gia đình vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.

“Nhà có 5 người con, đứa lớn nhất chuẩn bị đi bộ đội, đứa nhỏ nhất vẫn còn những bước đi chập chững. Tất cả việc ăn, uống của gia đình đều trông cậy vào việc đi làm thuê hàng ngày của tôi, thế nhưng từ ngày bị nghi kỵ, việc thuê mướn cũng ngày càng ít đi”- Chị Hồ Thị Cam (vợ Hồ Văn Vũ) buồn rầu.

Theo bà Hồ Thị Vi Na, Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây (huyện Trà Bồng), 2 trường hợp nghi kỵ cầm đồ thuốc độc mới xảy ra gần đây nhất ở xã đã được công an huyện và công an địa phương vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân.

Đảng ủy xã Trà Tây tổ chức hòa giải nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.
Đảng ủy xã Trà Tây tổ chức hòa giải nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.

“Đảng ủy xã cũng tổ chức các cuộc hòa giải, phát động phong trào để giải nghi, nâng cao nhận thức cho người dân về hủ tục lạc hậu cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Tuy nhiên, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc đã ăn sâu bám rễ trong tâm thức của người đồng bào nên cần rất nhiều thời gian mới có thể xóa bỏ triệt để”- bà Hồ Thị Vi Na chia sẻ.

Để xóa bỏ tập tục lạc hậu này, tại những địa bàn xảy ra nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, chính quyền và các cơ quan chức năng, chủ đạo là lực lượng công an thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân.

Đồng thời, tổ chức các cuộc họp thôn bản, tranh thủ những người có uy tín trong đồng bào hoặc xuống từng hộ dân để tuyên truyền; tâm huyết với đồng bào để giúp họ xóa dần đi những định kiến lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Thượng úy Phạm Văn Nãy, Công an xã Ba Lế, huyện Ba Tơ chia sẻ: “Trăn trở nhất với công an chính quy về xã là phải thường xuyên tăng cường xuống thôn làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết về pháp luật, hạn chế hủ tục lạc hậu tồn tại lâu nay, là nhất là vấn đề nghi kỵ tồn tại trong đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần