70 năm giải phóng Thủ đô

Nghị quyết 108/2020/NQ-CP: Chuẩn hóa quy trình thủ tục

Mai Vân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết 108/2020/NQ-CP được ban hành sẽ góp phần chuẩn hóa quy trình thủ tục đầu tư xây dựng tại các dự án trong thời gian tới. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam.

 Luật sư Hoàng Văn Đạo
Ông đánh giá thế nào về Nghị quyết 108/2020/NQ-CP mới được ban hành?
- Nghị quyết 108 được ban hành kèm theo Luật Xây dựng sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Trong đó có đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo đánh giá của tôi, việc ban hành Nghị quyết này có tác động tích cực, làm chuẩn hóa quy trình thủ tục đầu tư xây dựng các dự án trong thời gian tới. Bên cạnh đó, còn góp phần tháo gỡ ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư kinh doanh.
Vấn đề chuẩn hóa này thể hiện ở những nội dung cụ thể nào, thưa ông?
- Nghị quyết 108/2020/NQ-CP có quy định chi tiết thêm một số nội dung như: Chuyển tiếp áp dụng định mức xây dựng cho công việc chuyên ngành, đặc thù chưa ban hành (ngoài hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành), đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công tại các địa phương chưa có hướng dẫn, công bố. Cập nhật dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng theo định mức xây dựng cho công việc chuyên ngành, đặc thù sau khi được ban hành, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công sau khi được hướng dẫn, công bố. Về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chi phí khảo sát, trường hợp cần thiết, người quyết định đầu tư có thể ủy quyền để chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt chi phí khảo sát nhằm rút gọn thủ tục, trên cơ sở bảo đảm tiến độ, hiệu quả của dự án... đây là một trong những nội dung vướng mắc tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP được tháo gỡ.
So với Luật Xây dựng 2014, Luật Xây dựng sửa đổi có nhiều điểm tích cực hơn liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, ông có đánh giá thế nào?
- Luật Xây dựng sửa đổi có nhiều nội dung, không chỉ riêng phần quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Nhưng thực tế, so với Luật Xây dựng 2014, Luật sửa đổi lần này đã bổ sung và thay thế một số điểm quan trọng, được cho là điểm nghẽn của Luật trong 5 năm qua như: Sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 132 về nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 135, khoản 4 Điều 136 về định mức, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 137 về thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng...
Từ ngày 1/1/2021 khi Luật được đưa vào thực thi, các dự án xây dựng nói chung và hàng trăm dự án nhà ở nói riêng sẽ được tháo gỡ ách tắc về thủ tục xây dựng.
Xin cảm ơn ông!