Nhiều cơ chế trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng
Phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Tuy nhiên, thực tế ngành KH&CN nói chung và nhà khoa học nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực trạng đãi ngộ với các nhà khoa học chưa cao, lương thấp, không có phụ cấp, các cơ sở công lập phải tự chủ chi thường xuyên mà vẫn bị hạn chế thu nhập tăng thêm, hoạt động chuyển giao công nghệ vướng mắc về cơ chế…
Tại Nghị quyết 20 về phát triển khoa học, công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định “có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành; cán bộ khoa học và công nghệ được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ khoa học và công nghệ trẻ tài năng. Chính phủ và các bộ liên quan cũng đã có hướng dẫn thi hành, song thực tế chưa làm được, do vướng mắc lớn nhất là bị ràng buộc bởi quy định của nhiều luật khác nhau.
Từ thực trạng trên, tại Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mới được ban, Bộ Chính trị đã xác định nhà khoa học ở vị trí trung tâm, then chốt, đi cùng với đó là những cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức KHCN được xếp hạng khu vực và thế giới. Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, Nghị quyết đã trú trọng việc mở rộng đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng các nhà khoa học, nhà sáng chế; trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất.
Đồng thời, có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hoá học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực. Ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước... Xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN bày tỏ, để nhà khoa học thực sự là nhân tố then chốt, cần phải có các cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ họ tốt hơn. “Tôi rất tán thành quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 57 khi xác định “nhà khoa học là nhân tố then chốt, cùng các giải pháp để thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước”- ông Quân nói.
Trao quyền tự chủ, khuyến khích sức sáng tạo
Nghị quyết 57 đã tập trung tháo gỡ cơ chế chính sách cho ngành KHCN với quan điểm đổi mới, bảo đảm quản lý hiệu quả và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Theo đó, Bộ Chính trị cho phép thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu khoa học. Các cơ quan nghiên cứu được khuyến khích xây dựng cơ chế cho phép tổ chức và nhà khoa học thành lập, điều hành DN dựa trên kết quả nghiên cứu. Ngân sách cho nghiên cứu KHCN sẽ thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển KHCN. Các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ sẽ được khuyến khích và hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi nhằm đầu tư vào chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.
GS.TS Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ: Nghị quyết 57 với những điều khoản chi tiết là hành lang pháp lý, là động lực để các nhà khoa học, các nhà giáo và cả những sinh viên quyết tâm học tập, làm việc và thúc đẩy nghiên cứu đỉnh cao đưa đất nước đi lên tầm cao mới.
Theo GS.TS Phan Mạnh Hưởng – Đại học Nam Florida Hoa Kỳ, Nghị quyết 57 của Bộ chính trị vừa ban hành thực sự “gỡ khó" cho các nhà khoa học Việt Nam có điều kiện để thể hiện năng lực của mình trên mặt trận KHCN. Không những thế còn tạo cơ hội để các nhà khoa học Việt kiều có cơ hội dễ dàng để hợp tác, hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu.
TS. Nguyễn Quân đánh giá, Nghị quyết 57 đã nêu ra được nhiều giải pháp quan trọng. Song, cần lưu ý rằng, chế độ đãi ngộ cho nhà khoa học không chỉ đơn thuần là tiền lương và thu nhập mà quan trọng hơn là điều kiện làm việc và môi trường sáng tạo (chế độ visa, nhà ở, đi lại cho bản thân họ và gia đình…), tức là phải giao cho nhà khoa học quyền tự chủ cao nhất trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Họ phải có quyền tự chủ cả về tài chính, tổ chức, nhân sự.
Theo TS. Nguyễn Quân, phải rà soát sửa đổi các luật có liên quan, gồm Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Viên chức... để có các cơ chế chính sách thực sự đột phá, tạo thuận lợi cho nhà khoa học.
Một việc cần làm ngay để thực hiện cơ chế quỹ là nên dành một tỷ lệ thích đáng kinh phí ngân sách cho hoạt động R&D để phân bổ ngay từ đầu năm tài chính cho các quỹ phát triển khoa học và công nghệ từ T.Ư đến địa phương mà không yêu cầu phải có danh mục các nhiệm vụ được phê duyệt trước như cách làm hiện nay, qua đó giúp nhà khoa học chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu ngay khi có nhiệm vụ nghiên cứu được đề xuất và đặt hàng.