Nghị quyết về miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông từ năm học 2025 -2026
Kinhtedothi - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 217/2025/QH15 của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Nghị quyết này quy định miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông là công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Nghị quyết nêu rõ miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục công lập.
Hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ học phí do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo khung học phí do Chính phủ quy định nhưng không vượt mức thu học phí của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Kinh phí thực hiện chính sách miễn, hỗ trợ học phí do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách.
Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách miễn, hỗ trợ học phí theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua (26/6/2025) và áp dụng từ năm học 2025-2026.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV (chiều 26/6), trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, về kinh phí thực hiện, dự thảo quy định do ngân sách Nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách. Ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách miễn, hỗ trợ học phí theo quy định của pháp luật. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách là khoảng 30.600 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí phải chi trả theo các quy định đã được ban hành về miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1/9/2025 là 22.400 tỷ đồng; số kinh phí phải đảm bảo thêm để thực hiện chính sách theo dự thảo Nghị quyết là 8.200 tỷ đồng.
Đối với số kinh phí dự kiến tăng thêm, Quốc hội đã ban hành nghị quyết chuyển nguồn 6.623 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ còn lại sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Cũng theo Bộ trưởng, thực tế hiện nay, đã có 10 tỉnh/thành phố đã hỗ trợ học phí năm học 2024 - 2025 cho học sinh mầm non, phổ thông trên địa bàn.
Toàn văn Nghị quyết số 217/2025/QH15:

Bố trí nguồn lực để triển khai nghị quyết về đổi mới sáng tạo, miễn, giảm học phí, viện phí
Kinhtedothi - Sáng 27/6, tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp, trong đó yêu cầu bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng pháp luật, sắp xếp tổ chức bộ máy, miễn, giảm học phí, miễn viện phí.

Chính thức miễn, hỗ trợ học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông từ năm học 2025 - 2026
Kinhtedothi - Chiều 26/6, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết Về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ đang tích cực xây dựng nghị định hướng dẫn về hỗ trợ miễn học phí
Kinhtedothi - Để triển khai được vấn đề miễn học phí cho kịp năm học 2025 - 2026 khi nghị quyết của Quốc hội được thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực triển khai xây dựng Nghị định để thay thế cho các quy định hiện hành.