Nỗi lo nhân sự
Từ ngày 1/5/2013, chính sách mới về thai sản bắt đầu có hiệu lực, cho phép các bà mẹ được nghỉ sinh 6 tháng thay vì chỉ 4 tháng như quy định cũ. Bà Đoàn Thị Thu Thúy, Phó Chánh Văn phòng Công ty cổ phần May Đồng Nai đang lo lắng điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến dây chuyền sản xuất, bởi có đến 80% số lao động của Công ty là nữ.
Nhiều doanh nghiệp đã lên phương án để ứng phó với tình trạng thiếu lao động nữ do nghỉ thai sản
"Nếu chỉ vài người nghỉ thì không sao, nhưng cùng sinh con một lúc sẽ khiến công ty bị động về nhân sự và đây cũng là bài toán đau đầu cho doanh nghiệp trong các năm tới", bà Thúy cho biết.
Nghỉ thai sản kéo dài khiến doanh nghiệp bà Thúy phải chủ động thuê mướn lao động mùa vụ hoặc tuyển lao động mới chưa có tay nghề vào đào tạo để tạm thời thay thế cho người lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản dài hơn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó chi phí tuyển dụng, đào tạo tăng trong khi hiệu quả đem lại của lao động mùa vụ, lao động mới tuyển thấp, không tương xứng.
Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ gặp phải khi áp dụng chính sách này, ông Hitoshi Saito, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Nhật Bản (Khu chế xuất Tân Thuận, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ngoài việc doanh nghiệp sẽ phải có định hướng tăng giờ làm việc, tăng ca, hoặc tuyển người thay thế để bảo đảm công việc, dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ phải đào tạo nhân sự thay thế, doanh nghiệp cũng phải đối diện với những khó khăn khi sắp xếp lại công việc cho nhân sự đã nghỉ thai sản đi làm trở lại.
Từ góc độ khác, ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản lại cho rằng, việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp.
Theo ông Lĩnh, dù nghỉ 4 hay 6 tháng, doanh nghiệp vẫn phải xác định xây dựng đội ngũ lao động thay thế. Khi tuyển dụng nhân viên nữ, nhất là lao động trẻ các công ty đều phải tính đến giai đoạn họ sẽ lấy chồng và sinh con.
"Thông thường giai đoạn thai sản của lao động nữ thường kéo dài ít nhất là một năm vì giai đoạn đầu con nhỏ nên người lao động khó toàn tâm toàn ý cho công việc được. Do vậy, dù 4 tháng hay 6 tháng thì với các Công ty, tác động ảnh hưởng vẫn như vậy", ông Lĩnh suy nghĩ.
Hỗ trợ lao động có nhu cầu đi làm sớm
Đứng trước những khó khăn về nhân sự, một số doanh nghiệp đã có hình thức hỗ trợ người lao động đi làm sớm. Chẳng hạn như, những người đi làm trước thời hạn 6 tháng nghỉ sinh sẽ nhận lương cao hơn, vừa hưởng chế độ thai sản vừa được tính lương thông thường, hoặc linh hoạt thời gian làm việc.
Để tiến độ công việc ít bị gián đoạn nhất, bà Ngô Thị An, Trưởng phòng tổ chức một Công ty thực phẩm tại Hà Nội cho biết, Công ty sẽ khuyến khích nhân viên nghỉ thai sản đi làm sớm 1-2 tháng so với quy định bằng hình thức trả mức lương ưu đãi hơn. Ví dụ họ có thể nhận lương hơn 4 triệu đồng so với mức trung bình trước đó là 3,5 triệu đồng, đồng thời vẫn hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Khẳng định chính sách nghỉ sinh không tác động nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp nhưng bà Ngũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng nhân sự, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco cũng cho hay Công ty sẽ có chính sách ưu đãi đối với lao động trong thời gian nghỉ sinh mong muốn được đi làm sớm hoặc khi công ty có nhu cầu.
"Họ có thể làm nửa ngày tại công ty, nửa ngày còn lại làm ở nhà nhưng vẫn được hưởng đầy đủ lương cả tháng. Chúng tôi không thể tăng lương cho lao động đi làm sớm nhưng sẽ tạo điều kiện làm việc linh hoạt cho họ", bà Thảo nói.
Ông Phạm Hoài Châu, Chủ tịch công đoàn Công ty Da giầy Hải Phòng cho biết, hiện Công ty đã có một số phương án, nếu có nhiều lao động nữ xin nghỉ thai sản, công ty sẽ áp dụng chính sách bù đắp năng suất tại chỗ, tức không tuyển nhân lực trong dây chuyền đó mà cố gắng khuyến khích nhân viên tăng năng suất cao hơn…
Chung tay lo cho thế hệ tương lai
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP May Hưng Yên, hiện công ty ông có trên 7.000 lao động nữ và hàng năm khoảng 10% số này nghỉ sinh con. Mặc dù Công ty đã giải quyết chế độ nghỉ thai sản là 5 tháng, nhưng khoảng 50% số lao động này vẫn xin nghỉ thêm 1, 2 tháng nữa, thậm chí họ còn xin nghỉ không lương đến khi con đủ 12 tháng mới trở lại làm việc.
Nguyên nhân của vấn đề này là do hiện nay hầu hết các doanh nghiệp không có nhà trẻ hoặc nếu có thì cũng chỉ nhận trông các cháu đủ 12 tháng tuổi. Khi người lao động không có người trông con, hoặc thuê người trông con để đi làm thì con hay bị ốm, nên nếu đi làm thì tiền lương không đủ tiền thuốc cho con và tiền thuê người trông nên họ chọn phương án nghỉ thêm.
Cũng theo nhìn nhận của ông Dương, trợ cấp thai sản theo chế độ lương hiện nay không đủ để người lao động sinh hoạt và nuôi con. Do đó, vấn đề người lao động cần hơn là có chỗ gửi con để họ có thể vừa đi làm để kiếm sống và nuôi con, vừa tranh thủ cho con bú sữa mẹ.
Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản khẳng định, hiện nay việc thiếu các nhà trẻ, đặc biệt là nhà trẻ tại các khu công nghiệp khiến cho người lao động gặp nhiều khó khăn.
Theo đề xuất của ông Lĩnh, nếu các doanh nghiệp có điều kiện tự xây dựng chung cư, nhà trẻ cho công nhân của chính doanh nghiệp thì Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được cấp “đất sạch”, cho vay vốn ưu đãi xây dựng, đồng thời được hạch toán tiền thuê nhà trông con cho người lao động vào chi phí sản xuất.
“Có thể xem xét trích một phần từ quỹ doanh nghiệp nộp cho Công đoàn làm quỹ phúc lợi cho người lao động, để doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ. Có như vậy mới là quan tâm tận gốc đời sống của người lao động và mới có thể công nghiệp hóa một cách vững chắc, lâu dài được”, ông Lĩnh nói.
Còn theo ông Phạm Hoài Châu, Chủ tịch công đoàn Công ty Da giầy Hải Phòng, hiện nay, khi tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, doanh nghiệp chỉ đóng ở mức tiền lương tối thiểu. Do vậy, người lao động khi nghỉ ốm, nghỉ thai sản số tiền được thanh toán chế độ rất thấp.
Chưa kể, việc thanh toán chế độ ốm, thai sản theo quý cũng gây chậm trễ đến quyền lợi của người lao động, nhất là các đối tượng nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ông Châu đề xuất nên thực hiện thanh toán 1 tháng/1 lần sẽ kịp thời hơn.