Liên quan đến nghi vấn Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân) đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội để tạo ra một bản lý lịch mới, sạch sẽ nhằm tham gia đấu thầu công tác thu gom, duy trì VSMT trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2024, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, tên gọi của DN giữ vai trò quan trọng xuyên suốt cả quá trình hoạt động. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, các công ty vẫn có nhu cầu thay đổi tên. Đây là quyền của DN. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi có quyết định hoặc nghị quyết thay đổi tên, DN có trách nhiệm thực hiện đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký DN (Điều 31 Luật DN, Điều 41 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP).
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, đấu thầu là quá trình lựa chọn các ứng viên nhà thầu có thể đáp ứng được hết những yêu cầu đưa ra của bên mời thầu. Bên mời thầu là chủ của một dự án, chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của dự án. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện công việc đấu thầu. Tham gia các cuộc đấu thầu dự án giúp cho nhà thầu ngày càng hoàn thiện hơn ở các phương diện để đáp ứng yêu cầu của dự án, tiến tới mục tiêu thắng thầu.
Khi việc đấu thầu được diễn ra bắt buộc các nhà thầu phải cạnh tranh nhau trên thương trường, nhà thầu phải phát huy tối đa được tính chủ động trong việc tìm kiếm những cơ hội tham dự đấu thầu và kí kết hợp đồng, tạo cơ hội việc làm cho người lao động và phát triển sản xuất. Do đó, việc DN có đổi tên cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi cả một quá trình trước đây thể hiện mình không đủ năng lực. Vì thế, chủ đầu tư sẽ chọn ra những DN có đầy đủ năng lực hơn để đảm nhiệm trọng trách này.